Cờ Tổ quốc ngày mở biển

10/03/2018 - 09:04

Ở các tỉnh miền Trung, ngày chính thức khai mở chuyến biển đầu năm của các tàu cá đi đánh bắt xa bờ được gọi là “Ngày mở biển”. Cả đoàn tàu rực rỡ cờ Tổ quốc tiến ra các vùng biển xa...

Hội Nhà báo Quảng Ngãi và Đồn Biên phòng Bình Đông tặng cờ cho ngư dân đi Trường Sa. Ảnh: Hà Anh

Tại cửa biển Sa Huỳnh, trong những ngày đầu Xuân, đoàn tàu công suất lớn của các ngư dân chuẩn bị rời quê ra ngư trường Vịnh Bắc Bộ đánh bắt. Cả đoàn tàu xếp thành một hàng thẳng dọc theo bến đậu, trên mỗi tàu thường treo mấy lá cờ Tổ quốc. Cả một rừng cờ đỏ tung bay phần phật trong gió biển. Có thể thấy, không vùng biển nào ở Quảng Ngãi có cách treo cờ như cửa biển Sa Huỳnh. Ngư dân Phạm Văn Sách cho biết: “Cuối năm về cúng tàu là phải thay cờ, toàn bộ là cờ mới. Một số tàu treo thêm lá cờ thần. Mỗi tàu lớn treo tới 3 lá cờ, tàu nhỏ thì treo 1-2 lá”.

Việc thay cờ mới để mở biển đầu năm được ngư dân làng chài Sa Huỳnh thực hiện như một phong tục, suốt mấy chục năm qua đã được cả làng duy trì để “tôn vinh biển đảo Tổ quốc, mừng một năm đánh bắt bình an”. Giải thích về việc một số tàu treo thêm lá cờ thần, ngư dân Nguyễn Hùng cho biết: “Trước năm 1975, ngư dân hay treo cờ thần, cờ ngũ sắc để an tâm về phần tâm linh. Còn từ sau giải phóng đến nay thì tàu treo cờ Tổ quốc; lá cờ thần treo bên dưới theo ý nghĩa nước thịnh, dân an. Hiện nay, chỉ còn một số tàu có chủ tàu là người lớn tuổi mới treo cờ thần. Vì đã treo cờ này lên thì cúng vái phải đúng bài, vật phẩm cúng cũng phải đúng phong tục”.

Xuất hành đầu năm 2018 với không khí vui tươi nhất là ở cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngày 2 đến 3-3, con sông Trà Bồng trở thành một bức tranh náo nhiệt. Từ phía cù lao Bình Chánh, những chiếc thuyền nhỏ kéo theo cả chùm thúng chạy xuống bến, sau đó thả thúng cho các ngư dân bơi về các tàu câu mực treo cờ đang chờ sẵn. Đứng trên cầu Trà Bồng nhìn xuống dòng sông xanh là một quang cảnh đẹp mắt. Cả chùm thúng 20-30 chiếc quây tròn quanh chiếc tàu mẹ hoặc nối đuôi nhau thành một hàng dài 15-20 chiếc từ làng chài kéo xuống.

Niềm vui lớn của ngư dân câu mực ở cửa biển Sa Cần, đó là cuối năm 2017, giá mực khô từ dưới 100 ngàn đồng/kg đã nhích lên hơn gấp đôi. Từ trước đến nay, chưa bao giờ mực khô lại có giá cao như vậy. Có ngư dân câu mực kiếm được 240 triệu đồng/mùa câu. Nhưng thông tin khiến mọi người kinh ngạc nhất, đó là bạn đi câu của tàu ông Tuất ở xã Bình Chánh, mỗi thợ câu giỏi kiếm được 340 triệu đồng.

Được mùa mực, ngư dân treo cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong ngày mở biển đầu năm. Chia sẻ niềm vui với ngư dân, Chương trình “Ly cà phê 50 ngàn” của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã cùng các phóng viên báo chí đến tặng 200 lá cờ cho ngư dân. Ngư dân Trần Trung ở địa phương cho biết: “Ngư dân quan niệm đầu năm cái gì cũng phải “đỏ”. Năm rồi câu mực rất “đỏ”. Đầu năm lại được tặng cờ đỏ, bà con rất vui. Nghề câu mực khơi mỗi năm sống ở Trường Sa 9 tháng, ở biển nhiều hơn ở nhà. Nhận được cờ Tổ quốc, các ngư dân sẽ cắm thật nhiều trên tàu ra Trường Sa để góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước”.

Ngược ra huyện đảo Lý Sơn vào ngày đầu năm, bà con ngư dân ở địa phương mở biển sớm hơn các địa phương trong đất liền. Đến ngày 3-3, nhiều tàu cá đã rời bến Mù Cu để vào đất liền lấy đá lạnh, bơm dầu, lương thực để mở biển đi đánh bắt xa bờ. Anh Hải, một ngư dân địa phương cho biết, đầu năm, tàu nào cũng treo cờ mới để mừng một năm đánh bắt bình an, ra quân giành thắng lợi.

Đối với các ngư dân đánh bắt gần bờ bằng thúng máy, bà con cũng nhiệt tình cắm lá cờ Tổ quốc ở trên vành thúng. Ở một số địa phương bãi ngang như thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, nhiều ngư dân đã ngoài 70 tuổi vẫn đi đánh bắt hàng ngày bằng chiếc thúng máy. Dù làm ăn nhỏ lẻ, chi phí mỗi ngày khoảng 100 ngàn tiền dầu, nhưng thu nhập của các ngư dân này cũng kiếm được 100 triệu/năm, tính ra không thua gì trai tráng. Nói về chuyện treo cờ, một số lão ngư cho biết, thanh niên thì cắm cờ ngoài khơi, còn mình thì đánh dọc bờ và cũng coi như làm nhiệm vụ tuần tra biên phòng.

Theo HÀ ANH (Báo Biên Phòng)

 

Liên kết hữu ích