Đảm bảo thắng lợi sản xuất nông nghiệp

14/04/2023 - 07:03

 - Trong bối cảnh một số lĩnh vực còn khó khăn thì thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp đã kéo tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức khá. Ngành nông nghiệp đang khẩn trương triển khai nhiệm vụ, nhất là ứng phó mùa khô hạn nhằm đạt các chỉ tiêu năm 2023, tiếp tục đưa nông nghiệp là “bệ đỡ” quan trọng thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển.

Thành công vụ đông xuân 2022-2023

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, từ đầu năm 2023 đến nay, sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi, nhất là vụ đông xuân 2022-2023 “trúng mùa, trúng giá”. Về chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi gia công nên quy mô đàn chăn nuôi tăng cao. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện tốt, tỷ lệ tiêm phòng vaccine đạt trên 80% so tổng đàn. Ước tăng trưởng (theo giá so sánh 2010) của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I/2023 đạt 2,64%.

Đối với trồng trọt, diện tích xuống giống lúa vụ đông xuân 2022-2023 đạt 227.548ha, năng suất bình quân 7,61 tấn/ha. Đây là vụ mùa thắng lợi khi năng suất cao hơn (năng suất vụ đông xuân 2021-2022 là 7,29 tấn/ha), giá bán tốt hơn, nông dân phấn khởi. Trong khi đó, rau màu vụ đông xuân xuống giống được 17.690ha, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Ông Lâm dự báo, với tình hình này, lĩnh vực trồng trọt tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý II và năm 2023.

Đối với vụ hè thu 2023, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống lúa 228.926ha, ước năng suất bình quân 6 tấn/ha, sản lượng khoảng 1.373.176 tấn. Theo Sở NN&PTNT An Giang, để đạt tăng trưởng cả năm thì vụ hè thu và thu đông 2023 cần đảm bảo sản xuất theo kế hoạch và nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng. Trong đó, tuyên truyền, vận động bà con nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như: Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18, Jasmine...

Cần tổ chức thăm đồng thường xuyên

Ông Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý, sản xuất hè thu đang đối mặt tình hình khô hạn, các địa phương cần có kế hoạch nạo vét kênh, mương, đảm bảo đủ nước tưới tiêu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xuống giống lúa, nếp phù hợp với khung lịch thời vụ chung của tỉnh; vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt trên cơ sở số liệu từ hệ thống bẫy đèn để đảm bảo xuống giống né rầy và né hạn đầu vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường.

Đối với lúa, có 14 DN thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ 145.540ha lúa hè thu (chiếm 63,58% diện tích xuống giống), chủ yếu là: Lộc Trời, Angimex - Tấn Vương, Angimex Kitoku... Đối với xoài, thu hoạch rộ trong tháng 4 khoảng 19.000 tấn, tháng 5 khoảng 13.000 tấn, được các DN, thương lái liên kết tiêu thụ ổn định. Tỉnh đang tiếp tục mời gọi các DN, như: Lộc Trời, Lefarm, Nafoods, T&T, Lavifood, Phước Phúc Vinh, Chánh Thu... mở rộng liên kết và xây dựng vùng chuyên canh với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trồng cây ăn trái.

Tập trung nhiệm vụ

Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường củng cố Ban Chỉ đạo các cấp về phòng chống rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá và các dịch hại khác; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thăm đồng thường xuyên để kiểm tra và phát hiện sớm các loài dịch hại trên cây trồng, có biện pháp quản lý kịp thời.

Các địa phương cần tiếp tục thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng (nâng cấp từ tổ phản ứng nhanh nông nghiệp) để hỗ trợ các xã trong các hoạt động, như: Tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), kiểm tra an toàn thực phẩm…

Đối với lực lượng khuyến nông cộng đồng, cần phối hợp với tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã đẩy nhanh ứng dụng số đối với nông dân, HTX, giúp đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, chủ động kết nối với DN. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số thông qua lực lượng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm để thuận lợi cho nông dân, HTX và địa phương trong tổ chức lại sản xuất theo Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, gắn thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Đối với chăn nuôi, ngành chăn nuôi và thú y tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; mở rộng liên kết chăn nuôi theo quy mô trang trại, nuôi gia công, như: Mô hình trại heo Thagrico (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên), trại heo Xanh Việt (huyện Thoại Sơn), trại vịt Lương An Trà (huyện Tri Tôn), trại gà đẻ An Tâm (huyện Châu Phú)...

Đối với thủy sản, từ nay đến cuối năm 2023, dự báo tình hình giá và sức mua thị trường thủy sản có thể vẫn duy trì tốc độ tăng từ 6-10%, khả năng vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng 825 tỷ đồng, chủ yếu nhờ xuất khẩu cá tra đang trên đà hồi phục mạnh.

Hiện nay, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn An Giang đã phủ kín, dự kiến sản lượng tăng để đón đầu cơ hội xuất khẩu, trong khi một số loại thủy sản tiêu thụ nội địa cũng tăng nhẹ. Tỉnh tiếp tục phát triển các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, mở rộng thị trường và vận động các DN chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết.

NGÔ CHUẨN