Đào tạo lao động theo địa chỉ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp

14/12/2018 - 06:50

 - An Giang là tỉnh có dân số đông, trên 2,1 triệu người (đứng thứ 6 cả nước), số người trong độ tuổi lao động (LĐ) chiếm khoảng 60% so tổng dân số của tỉnh. Hàng năm, có trên 20.000 người bước vào tuổi LĐ. Tuy nguồn LĐ dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề của đa số người LĐ còn thấp, cơ hội tìm kiếm việc làm ở doanh nghiệp (DN), khu chế xuất hiện nay còn hạn chế. Đó là thực trạng thúc đẩy An Giang đẩy mạnh đào tạo nguồn LĐ theo địa chỉ, có tay nghề, chuyên môn cao.

Năm 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên 25.000 người, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch năm. Trong đó, LĐ nữ được học nghề nghiệp hơn 10.300 học viên, chiếm tỷ lệ 41,5%.

Cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng 1.400 sinh viên; trình độ trung cấp 1.200 học sinh; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 22.400 học viên (trong đó, đào tạo nghề cho LĐ nông thôn ký 340 hợp đồng, 390 lớp, trên 12.000 học viên, đạt tỷ lệ trên 100% kế hoạch năm, kinh phí trên 7 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ước thực hiện cấp 19.000 bằng, chứng chỉ nghề cho học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo. Riêng hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, toàn tỉnh đã ký 11 hợp đồng với Công ty TNHH May mặc Lu An, Công ty TNHH NV Apparel, Công ty TNHH thủy sản Đông Á, Công ty TNHH may Xuất khẩu Thành An và Công ty TNHH may Xuất nhập khẩu Đức Thành, tổng cộng tổ chức 31 lớp với 1.085 học viên, kinh phí hỗ trợ 1,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo lao động theo nhu cầu

Những năm qua, có nhiều DN đã tham gia ký kết hợp đồng dạy nghề theo đơn đặt hàng từ năm 2014, 2015, tạo việc làm cho LĐ địa phương tập trung vào khu công nghiệp, nhà máy chế biến thuộc lĩnh vực thủy sản, may mặc, da giày, kỹ thuật hàn điện…

Học viên được thực hiện thao tác trên các dây chuyền, máy móc và công nghệ của DN, lồng ghép học về pháp luật LĐ và an toàn LĐ nhằm bổ sung kiến thức, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật cho công nhân, đồng thời ràng buộc trách nhiệm giữa công nhân với DN sử dụng LĐ. Người LĐ sau khi học nghề xong được DN tiếp nhận, bố trí việc làm chiếm trên 90%. Các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường LĐ từ chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm - an toàn lao động được triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 33 cơ sở đào tạo nghề nghiệp, gồm: 2 trường cao đẳng (Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Y tế An Giang), 6 trường trung cấp nghề, 8 trung tâm có chức năng đào tạo nghề và 17 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Để thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2018, thì gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN, thị trường LĐ được coi là giải pháp đột phá, phấn đấu có 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với DN trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Một trong những giải pháp đổi mới là đưa DN trở thành chủ thể tham gia đào tạo nghề, chủ động tích cực tham gia vào hệ thống này với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.

Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo chủ động đến gõ cửa DN để cung cấp LĐ, để đào tạo nghề, đưa LĐ theo đúng nhu cầu DN đang cần.

Các cơ sở giáo dục ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo đón đầu xu thế

Cùng với các giải pháp hàng năm nhằm nâng cao chất lượng nguồn LĐ qua đào tạo, UBND tỉnh đã triển khai Đề án “Đào tạo LĐ có tay nghề, đáp ứng yêu cầu DN, giai đoạn 2017-2020”.

Đề án chỉ rõ: trước sự tiến bộ của khoa học- kỹ thuật và xu hướng hội nhập kinh tế, LĐ phổ thông giá rẻ không còn là ưu thế của cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, các DN đầu tư nhiều trang thiết bị, dây chuyền hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất- kinh doanh và có xu hướng ưu tiên tuyển dụng LĐ có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của quy trình sản xuất và an toàn, vệ sinh LĐ. Vì vậy, việc đào tạo nguồn LĐ có tay nghề đáp ứng yêu cầu của DN là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Để một địa phương phát triển, nguồn nhân lực phải tập trung khu vực II và III. So về cơ cấu, LĐ tỉnh An Giang có gần 60% tập trung khu vực I. Tỉnh mong muốn không chỉ đào tạo nguồn LĐ cho DN trong tỉnh, mà tương lai gần đáp ứng nguồn LĐ có chuyên môn cho DN ngoài tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung ở Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… An Giang cần tiếp cận tích cực hơn với thị trường LĐ xuất khẩu, đào tạo lực lượng LĐ có tay nghề cao làm việc ở nước ngoài để từ đó thu hút dòng tiền “đổ” ngược về địa phương”.

Để đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch, các địa phương, cơ quan tiếp tục tuyên truyền nhằm nhận thức rõ hơn về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu LĐ để tăng thu nhập cho người dân, song song với đẩy mạnh cải cách hành chính, kêu gọi đầu tư để có thêm cơ sở đào tạo LĐ ngay tại địa phương.

MỸ HẠNH