Dấu ấn của bậc tiền nhân

15/02/2024 - 03:03

 - Là những người đang thụ hưởng nhiều di tích lịch sử, di sản sản văn hóa độc đáo nhưng ở An Giang không phải ai cũng biết về công lao khai phá, đóng góp to lớn của tiền nhân cho vùng đất đang còn lưu giữ nhiều dấu tích.

Năm 1842, qua tấu trình của Tổng đốc Định Biên Lê Văn Đức, cùng lời xin của Tổng đốc An Hà Nguyễn Công Nhàn, Thự Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ, vua Thiệu Trị cho đào đoạn sông từ Châu Đốc qua Tân Châu (tức kênh Vĩnh An); giao cho ông Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Công Trứ trù tính.

Theo đó, ước tính số nhân công 72.522 người (thuê 10.000 dân phu ở 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, sử dụng 2.000 biền binh các hạng...), thực hiện khoảng 2 tháng. Sợ nhân công sinh bệnh do trời nắng dữ, tạm cho hoãn một thời gian và năm 1844 kênh hoàn thành. Được tin người mẹ qua đời, ông Nhàn về quê 2 tháng lo tang cho mẹ. Vua hạ lệnh quan sở tại trích 300 quan tiền để ban cho ông.

Cùng năm, vua Thiệu Trị phong Nguyễn Công Nhàn (sinh năm 1806, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa) tước Bao Liệt tử, cho triệu kiến hỏi han về kế sách. Ông xin vua cho thay đổi cách điều quân đóng giữ ở An Giang; luân phiên quân các tỉnh Nam Kỳ, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định với kinh đô Huế và ngược lại, bởi định lệ phân bố vĩnh viễn.

Năm 1861, vua Tự Đức giao Nguyễn Công Nhàn lĩnh chức Tổng  đốc  Định Tường. Ngày 26/3/1861, quân Pháp tấn công mạnh, thành Mỹ Tho thất thủ. Ông bị vu tội bỏ thành chạy và vua Tự Đức lột hết chức tước. Năm 1867, Nguyễn Công Nhàn qua đời.

Ông được thờ ở đình Tân Phước (huyện Lai Vung), thờ tại ngôi đền xã Tân Thuận Tây (TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và thờ ở đình Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) và tại TX. Tân Châu. Với tài thao lược, giỏi về binh pháp và kinh nghiệm trận mạc, ông dẹp yên nhiều cuộc bạo loạn ở Tây Nguyên, đánh đuổi nhiều lần quân Xiêm xâm lược biên giới Tây Nam Bộ, lập được nhiều chiến công.

Lưu dấu chân ở An Giang không quá lâu nhưng thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) được ghi dấu tích, đặt tên đường để tưởng nhớ. Sau ngày được vợ quá giang ghe bầu đi ra Huế kêu oan thắng lợi, Thủ Khoa Nghĩa vẫn bị triều đình bắt đi lính ở đồn Vĩnh Thông (huyện Tri Tôn) chờ ngày lập công chuộc tội.

Khi đến Vàm Nao đi vào Vĩnh Thông, ông để bài thơ còn lưu lại: “Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi - Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”. Sau đó, nhờ lập công trạng, ông được thăng chức Phó Quản cơ và giữ đồn Vĩnh Thông. Thời gian sau, cảm thấy buồn chán, ông xin từ quan về quê nhà, mở lớp dạy học, vui thú điền viên. Hình ảnh người vợ hiền Nguyễn Thị Tồn (làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa) không nghĩ đến bản thân nhưng vì sinh mạng và sự nghiệp của chồng, làm ông thương yêu, ray rứt cuối quãng đời còn lại.

Mang tâm trạng phẫn uất trước sự đàn áp của thực dân Pháp và nỗi buồn thất chí, những năm đầu thế ký XX, chí sĩ Trương Gia Mô (sinh năm 1866, tại làng Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cùng một số người đồng hướng vào miền Tây Nam Bộ. Sau việc mưu sát tên Toàn quyền Pasquier không thành, năm 1924, Trương Gia Mô về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cuối năm 1929, ông đến núi Sam, Châu Đốc chọn con đường quyên sinh. Ông tự bạch: “Sầu đong càng gạt lại càng đầy - Cũng muốn khuây mà khó nỗi khuây” để “giải thích” nỗi bi uẩn trong bài “Thuật hoài” để lại cho hậu thế.

Trước đó, năm 1892, cụ Trương Gia Mô được vua Thành Thái bổ nhiệm làm Thừa phái bộ Công. Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước và viết bản điều trần gồm 5 việc gửi lên triều đình nhưng không được chấp nhận. Ông từ quan vào Nam rồi ra Trung vận động cải cách, canh tân nước nhà. Năm 1905, cụ vào Phan Thiết và kết bạn với chí sĩ Phan Châu Trinh, cùng một số nhà nho thành lập Công ty Liên Thành, Trường Dục Thanh để truyền bá duy tân, cách mạng.

Năm 1908, nhiều cuộc đấu tranh của Nhân dân ở miền Trung nổi lên, ông bị bắt giam ngục Khánh Hòa vì tội hoạt động chống Pháp và triều đình. Khi ra tù, ông trở lại Phan Thiết. Năm 1910, thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm gặp ông đưa thư cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) gửi gắm Nguyễn Tất Thành và ông giới thiệu vào dạy học ở Trường Dục Thanh.

Từ năm 1921 - 1929, cụ Nguyễn Sinh Sắc có những hoạt động yêu nước ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Long Xuyên, Châu Đốc... với nghề hốt thuốc Bắc. Cụ nhiều lần đến chùa Giồng Thành (tháng 7/1927) thuộc phường Long Sơn (TX. Tân Châu), chùa Hòa Thạnh (phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) khơi dậy tinh thần yêu nước của Nhân dân trong vùng.

Đến với An Giang chưa đầy 4 năm, nhưng ai biết tác giả lá cờ của Tổ quốc lại in đậm dấu tích ở nơi đây. Vượt Côn Đảo lần thứ 2 thành công, đầu năm 1937, ông  Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1901, làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được Liên Tỉnh ủy Long Xuyên điều về Chợ Mới hoạt động, nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất tỉnh.

Tại đây với bí danh Huế Tiến, ông tổ chức, tham gia nhiều cuộc mít-tinh, tuyên truyền, vận động Nhân dân đấu tranh công khai, hợp pháp, xây dựng lực lượng, phát triển tổ chức Đảng, đẩy mạnh các phong trào cách mạng. Tháng 9/1939, ông Nguyễn Hữu Tiến thay ông Nguyễn Kim Nha làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Long Xuyên gồm các tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sa Đéc (nay thuộc các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu).

Đến tháng 3/1940, ông được điều về hoạt động ở Xứ ủy Nam Kỳ, là Xứ ủy viên, Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách cơ quan ấn loát, in ấn tài liệu của Đảng, quản lý công tác tuyên truyền. Đặc biệt, với tên Trương Xuân Chinh làm báo Dân Chúng, ông nhận nhiệm vụ vẽ lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh sử dụng trong khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ông Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp xử bắn vào ngày 28/8/1941...       

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, do có địa thế hiểm trở, để bảo vệ cương thổ, phục vụ dân sinh, tiền nhân dày công đào kênh, đắp lộ và khi Tổ quốc gặp nguy, với nhiều hào kiệt, chí sĩ yêu nước đến với An Giang, ghi dấu tích như “cột mốc lịch sử”.

NGUYỄN RẠNG