An Giang có lợi thế về lúa gạo
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công, làm đòn bẩy thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Từ đầu năm 2024, An Giang đã phân bổ hết 100% nguồn vốn đầu tư công do Trung ương giao. Trong tháng 1, giá trị giải ngân được 847,5 tỷ đồng, đạt 10,55% kế hoạch năm 2024; ước tính giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 2/2024 là 1.061 tỷ đồng, đạt 13,21% kế hoạch.
Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó trong việc quản lý, giám sát khối lượng khai thác và nguồn cát sông san lấp phục vụ xây dựng. Nguồn khoáng sản cát sông ngày càng khan hiếm, nhưng chưa có vật liệu để thay thế hoặc chia sẻ để phục vụ các công trình, đặc biệt các công trình giao thông trọng điểm quốc gia; chưa có cơ chế, quy định riêng về phương pháp xác định sản lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại của khu mỏ thông qua đo vẽ hiện trạng…
Tương tự, tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn về nguồn cung ứng cát cho các dự án, công trình, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, như: Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh… Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng có biến động theo hướng tăng cao hơn so với giá trị được duyệt, ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cà Mau là địa phương đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2023, với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn. Đối với Dự án thí điểm thiết lập chợ đầu mối thủy sản, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã làm việc với các đơn vị liên quan để thu hồi và chuyển đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các cơ sở đang thuê mặt bằng tại cảng cá để xác định vị trí xây dựng chợ đầu mối thủy sản.
Các đại biểu cho rằng, mỗi tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau đều có nguồn lực nông nghiệp phong phú với nhiều tiềm năng. An Giang nổi tiếng về các giống lúa đa dạng và nền sản xuất, chế biến các sản phẩm cá tra; Đồng Tháp có vùng đất màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; Cà Mau nổi tiếng với các loại sản phẩm từ biển (tôm, cá, cua...).
Là những vùng kinh tế nông nghiệp phát triển ngày càng mạnh, cả 3 tỉnh đều thu hút đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, nông nghiệp, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu… Tuy nhiên, mỗi tỉnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc riêng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, còn nhiều vấn đề cần được quan tâm và giải quyết khẩn trương, triệt để. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và linh hoạt điều chỉnh quy hoạch trong quá trình triển khai, đảm bảo tính khả thi và tháo gỡ được các vướng mắc.
Về xây dựng hạ tầng giao thông vận tải và quản lý tài nguyên môi trường, Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương cần đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, cần sự vào cuộc của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các tỉnh.
Cả 3 tỉnh: Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp đều tham gia triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh tập trung cho đề án, nghiên cứu giải pháp cụ thể nhằm cải thiện chất lượng đất đai, nâng cao năng suất cây trồng, tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân trong việc tiếp cận các công nghệ mới và thị trường tiêu thụ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo các tỉnh đưa vai trò thương lái vào hệ sinh thái nông nghiệp, nhằm bình ổn thị trường lúa gạo. Lãnh đạo địa phương cần nắm chắc tình hình thu mua lúa, tránh tình trạng thương lái bỏ cọc, ép giá nông dân.
NGÔ CHUẨN