Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP

01/08/2023 - 06:54

 - Đề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia; kỳ vọng trở thành hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Tập trung số hóa và kết nối dữ liệu

“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực của sự phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng, cấp bách” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hướng dẫn người dẫn cài đặt tài khoản định danh mức độ 1

Năm 2023 là năm tạo lập, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, DN. Theo đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tập trung đôn đốc thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm”. Nổi bật, Bộ Công an phối hợp Văn phòng Chính phủ cung cấp 25/25 dịch vụ công mức độ 4 và 10/28 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 212 triệu hồ sơ đồng bộ, gần 17,5 triệu lượt thực hiện dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2022)…

Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 DN và 63/63 địa phương, phục vụ khai thác thông tin dân cư. Cả nước tiếp nhận trên 1 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân. Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; hạn chế việc di chuyển, chờ đợi, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”... giúp tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, công tác chỉ đạo, triển khai phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng và Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, DN, nhất là lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt; tham gia ngày càng tích cực. Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số được quan tâm đầu tư, các ứng dụng dùng chung quy mô cấp tỉnh được khai thác, vận hành ổn định.

Việc triển khai thực hiện 5 nhóm tiện ích của Đề án 06/CP đáp ứng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình đề ra. Các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng tiếp tục được đầu tư, triển khai đồng bộ, toàn diện theo mô hình 4 lớp. An Giang hoàn thành cấp 100% thẻ căn cước công dân gắn chíp cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, định danh điện tử và các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06/CP. Hiện nay, lực lượng công an, đoàn thanh niên và hội liên hiệp phụ nữ các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cài đặt, kích hoạt và sử dụng định danh điện tử (ứng dụng VNeID) để tham gia giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, phục vụ công cuộc chuyển đổi số.

“Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai mô hình “công dân số” trong thực hiện Đề án 06/CP; 53 dịch vụ công thiết yếu. Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, rà soát, đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ dịch vụ công đã cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đáp ứng nguyên tắc lấy người dân, DN làm trung tâm. Chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, DN” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06/CP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, lẫn nhiệm vụ dài hạn (về thể chế; nhân lực số; xây dựng, chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu; an ninh, an toàn; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển tiện ích cho người dân...).

“Triển khai Đề án 06/CP là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân, DN; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; vừa xây dựng, vừa phát triển, vừa khai thác hiệu quả, với tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới sáng tạo, vì lợi ích chung” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý.

THU THẢO