Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, giảm thiểu tác động của dịch nCoV

31/01/2020 - 19:36

Bộ Công Thương đã làm việc với các Tập đoàn, các tổ chức bán lẻ trong nước để đẩy mạnh thu mua các sản phẩm nông sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ ở trong nước.


Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.

Mặc dù trước mắt bệnh dịch chưa có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc song theo Bộ Công Thương, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch.

Đáng lưu ý, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.

Trước thực tế trên, để hiểu rõ hơn những giải pháp mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

- Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trưởng này?

Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đứng từ góc độ xuất khẩu, trong năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu riêng mặt hàng nông sản, thủy sản chiếm khoảng 7 tỷ USD.

Với một số nhóm hàng như sắn, rau, quả, gạo thì Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lớn nhất. Đương nhiên, bên ngoài các mặt hàng nông thủy sản, Việt Nam còn xuất khẩu các mặt hàng khác nữa, như dệt may, da giày, linh kiện điện tử…

Tuy nhiên đối với nhóm hàng nông thủy sản thì có yếu tố nhạy cảm do vấn đề về thời gian lưu trữ các mặt hàng không được lâu. Tình hình dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona gây ra và bùng phát vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, đây là thời điểm các cửa khẩu giữa hai nước cũng đã giảm lượng lưu thông và hiện nay từ phía Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp chống dịch thì cũng đang kéo dài thời gian đóng các cửa khẩu.

Theo thông báo mới nhất của Bộ tư lệnh Biên phòng ở phía Việt Nam thì hiện nay chúng ta cũng đang đóng một số các cửa khẩu phụ trên các tuyến. Ví dụ như phía Lào Cai… điều đấy sẽ dẫn đến việc các mặt hàng của chúng ta thông thương qua các cửa khẩu này sẽ bị tạm dừng.

Đặc biệt, đối với nhóm hàng nông sản hiện một số mặt hàng chúng ta đang chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, ddơn cử như dưa hấu, thanh long… Và sau Tết là thời điểm khi các mặt hàng này vào chính vụ, sản lượng hoa quả, trái cây đưa ra thị trường rất lớn, bao gồm cả thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, sự bùng phát của dịch bệnh như hiện nay sẽ làm cho các cửa khẩu của Việt Nam không thông thương được sẽ gây tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu.

- Vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp như thế nào để ứng phó với diễn biến trên, qua đó giảm thiểu những tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam?

Ông Trần Thanh Hải: Qua nắm thông tin chúng tôi được biết hiện nay tình trạng ùn ứ chưa diễn ra tại các cửa khẩu, đặc biệt là ở khu vực Lạng Sơn và chỉ có một vài chục xe thanh long đã đưa lên từ dịp Tết.

Trong thời gian tới, đặc biệt là từ đầu tháng Hai trở đi, khi mà các mặt hàng này đi vào chính vụ và thu hoạch nhiều thì khả năng ùn ứ có thể xảy ra. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cũng đang có các trao đổi với các địa phương, kể cả các địa phương ở biên giới cũng như các địa phương vùng trồng để có sự điều tiết kịp thời, tránh việc đưa hàng lên khi các cửa khẩu chưa được giải tỏa, chưa được mở trở lại.

Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ bám sát tình hình với phía Trung Quốc để trong trường hợp có thể giải tỏa được một phần thì cũng sẽ thông báo để có thể nhanh chóng đưa hàng lên trên biên giới.

Trong những ngày vừa qua, Bộ Công Thương đã liên tục đưa thông tin lên Cổng thông tin Điện tử của Bộ để cập nhật tình hình về việc Trung Quốc lùi thời gian mở cửa khẩu. Qua đó, các địa phương và doanh nghiệp cũng nắm được tình hình.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi cho các doanh nghiệp chế biến, các doanh nghiệp logistic để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, tăng cường thu mua cũng như chế biến các sản phẩm này, hoặc là đưa các sản phẩm này vào kho lạnh để bảo quản được lâu dài hơn.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo cho các Thương vụ ở các nước có khả năng tiêu thụ các sản phẩm như là thanh long để đẩy mạnh việc kết nối các bạn hàng, tìm hướng xuất khẩu khác thay thế trong thời gian thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn hiện nay.

- Thưa ông với một thị trường lớn như là Trung Quốc, việc dịch bệnh về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam. Vậy Bộ Công Thương có giải pháp trọng tâm gì trong việc hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu để có thể đạt mốc 300 tỷ USD trong năm 2020 như mục tiêu Chính phủ đặt ra?

Ông Trần Thanh Hải: Có thể thấy là dịch bệnh viêm phổi cấp chủng mới gây ra, mới phát sinh nhưng đã có diễn biến rất nhanh, rất phức tạp và Tổ chức y tế thế giới (WHO) hiện nay đã ban hành tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Điều đó cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề và sự ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là với Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra những tác động, thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ thực tế này, theo tôi các doanh nghiệp cần khẩn trương lên các kế hoạch, giải pháp ứng phó và đặc biệt là trong các khâu tìm kiếm thị trường thay thế khi thị trường Trung Quốc chưa thể mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các bộ ngành, các hiệp hội cũng như địa phương rất quan trọng. Phía Bộ cũng đã có chỉ đạo cho các cơ quan thương vụ khẩn trương tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường khác để có thể hỗ trợ, cho giúp cho các doanh nghiệp nông sản của chúng ta tiêu thụ.

Cùng với đó, Bộ đã làm việc với các Tập đoàn, các tổ chức bán lẻ trong nước để đẩy mạnh thu mua các sản phẩm nông sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ ở trong nước.

Các nhà máy chế biến và các kho lạnh cũng cần có sự vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông sản có thể giúp đưa được các sản phẩm nông sản vào chế biến nước ép hoặc sấy khô, qua đó cũng sẽ giúp cho giảm thiểu được tình trạng hư hỏng hơn là để tình trạng bảo quản tươi.

Qua đây chúng ta cũng thấy vai trò của kho lạnh là rất cần thiết, với những kho lạnh có thể bảo quản được hàng tháng và có thể giúp đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo có được các sản phẩm khi mà vào chính vụ. Đây là những cách thức, biện pháp bước đầu Bộ Công Thương đang tích cực triển khai.

- Xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc năm 2019:

- Ông có thể thông tin rõ hơn các giải pháp của Cục xuất nhập khẩu đưa ra để hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu?

Ông Trần Thanh Hải: Sáng nay Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trực tiếp chủ trì cuộc họp với các cục, vụ, các đơn vị tham mưu trong Bộ để cập nhật tình hình cũng như đưa ra giải pháp quyết liệt, kịp thời, để đối phó với tình trạng dịch bệnh hiện nay, trong đó có cả vấn đề về tiêu thụ trong nước, vấn đề về chế biến cũng như các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng là vấn đề trọng tâm.

Với dự báo khả năng ùn tắc ở cửa khẩu, các cửa khẩu còn kéo dài kéo dài thời gian đóng cửa thì tình trạng ùn tắc có thể xảy ra cũng như việc khó khăn trong thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp nông sản… Chính vì vậy cuộc họp đề cập đến các giải pháp để giúp cho các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn này.

Các giải pháp sơ bộ, như tôi đã đề cập, đó là việc tìm kiếm các thị trường mới thông qua các cơ quan đại diện cơ quan thương vụ ở của chúng ta các nước trên thế giới, đồng thời tìm giải pháp đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến như là đưa vào các kho lạnh để bảo quản lâu dài hơn, rồi đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua phong trào Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Đây cũng là một hoạt động hết sức thiết thực để giúp cho các sản phẩm nông sản của chúng ta có thể đảm bảo duy trì được doanh số cũng như là sản lượng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo ĐỨC DUY (Vietnam+)