Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

09/11/2022 - 03:40

 - Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là công nghệ giống và kỹ thuật canh tác trên địa bàn huyện Châu Thành mang đến những kết quả rất tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Hỗ trợ nông dân

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, việc sản xuất thâm canh tăng vụ giúp gia tăng sản lượng nông sản. Tuy nhiên, lại dẫn đến một số vấn đề bất lợi, như: Sự mất dần nguồn gen quý hiếm của các giống cây trồng bản địa, vấn đề ô nhiễm thuốc, hóa chất nông nghiệp không những trong đất canh tác, nguồn nước mặt cho sinh hoạt và nguồn nước ngầm, mà còn trong nông sản.

Ngoài ra, sự ô nhiễm môi trường sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh thái vùng sản xuất nông nghiệp, dẫn đến năng suất cây trồng ngày càng giảm… Vì thế, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp rất cần thiết.

Thời gian qua, huyện Châu Thành đã quy hoạch, triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt, tích cực chuyển giao, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường…

Đến nay, diện tích sản xuất lúa áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” toàn huyện chiếm 96,75% diện tích xuống giống; 70,28% diện tích sản xuất lúa áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”. Thực hiện chương trình xã hội hóa công tác giống lúa, các tổ sản xuất giống và nông dân trong huyện đã tổ chức sản xuất giống trên 4.876ha, đạt 8,76% diện tích xuống giống với 22 tổ sản xuất giống; 30 công ty ký kết hợp đồng sản xuất giống, với nông dân và các tổ sản xuất giống lúa.

Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Là địa phương có thuận lợi phát triển nông nghiệp, huyện Châu Thành đẩy mạnh sản xuất đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu.

Đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu trên 854ha. Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Qua đó, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân.

Hiệu quả kinh tế cao

Với việc tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được huyện duy trì và nhân rộng. Tiêu biểu là các mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu. Ông Trần Văn Kết (ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) cho biết, năm 2017, ông thực hiện chuyển đổi 5.000m2 đất từ trồng lúa sang trồng sầu riêng. Ngoài ra, gia đình ông còn áp dụng phương pháp luân phiên cây trồng, lấy ngắn nuôi dài, trồng thêm các loại cây trái khác, như: Chanh, dừa, khóm… mang lại thu nhập mỗi năm khoảng 20 triệu đồng.

Qua gần 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của ông Kết cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. “Do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tôi đã đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vườn sầu riêng, góp phần giảm lượng nước tưới, ít tốn công lao động, giúp cây sử dụng phân bón hiệu quả hơn, tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật” - ông Kết chia sẻ.

Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp rơm rạ để trồng nấm rơm, làm phân bón hay thức ăn cho bò được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nhiều nông dân huyện Châu Thành. Ngành nông nghiệp địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình tận dụng rơm ra sau thu hoạch, như: Mô hình trồng nấm rơm, ủ rơm với u-rê làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ… để tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Với kỹ thuật trồng đơn giản, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, lợi nhuận mang lại cao là những ưu điểm nổi trội của mô hình trồng nấm rơm được nhiều nông dân áp dụng. Không chỉ tận dụng để trồng nấm, nhiều nông dân địa phương còn sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa hoặc rơm sau khi trồng nấm xong để ủ thành phân hữu cơ sinh học để bón cho cây trồng.

Ông Lê Văn Tùng (ngụ xã Hòa Bình Thạnh) cho biết: “Việc tận dụng rơm rạ kết hợp phân bò và chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ phân hữu cơ khá đơn giản, chỉ cần tham gia lớp tập huấn là có thể làm được. Phân hữu cơ được ủ xong có thể dùng để bón cho vườn cây ăn trái hay rau màu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thân thiện với môi trường...”.

Huyện Châu Thành tiếp tục chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học dưới quy mô nông hộ, để sử dụng thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong phòng trị côn trùng và bệnh hại trên cây trồng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường…

 

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích