Để liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây hiệu quả

04/05/2021 - 05:22

 - Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở An Giang đạt được nhiều kết quả tích cực. An Giang là một trong những địa phương có nhiều điểm sáng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đất.

Hiện trạng sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái mang lại hiệu quả cao nên người dân rất đồng thuận. Từ đó đã hình thành các vùng chuyên canh cây xoài với các giống xoài chủ lực là xoài ba  màu, xoài cát Hòa Lộc, xoài keo. Đồng thời đã có diện tích chứng nhận VietGAP và mã số vùng trồng, mời gọi các công ty tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Từ năm 2017-2020, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng hơn 25.582ha, đạt 101% so kế hoạch.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong trồng xoài, những năm qua, ngoài vụ thuận (từ tháng 1 đến tháng 4), nông dân biết cách để điều khiển ra hoa vụ nghịch (từ tháng 10 đến tháng 12) và xử lý cho trái rải rác ở các tháng còn lại nhằm tiêu thụ sản phẩm có giá hơn, nhưng sản lượng không nhiều.

Các vựa thu mua xoài đóng container xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, ước sản lượng toàn tỉnh khoảng 178.000 tấn xoài/năm (vụ thuận chiếm 70-80% sản lượng). Dự kiến, sản lượng còn lại hiện nay đến cuối tháng 5 khoảng 20.500 tấn xoài 3 màu, xoài cát Hòa Lộc... Hiện nay, đã cấp trên cây ăn trái 78 mã số vùng trồng ( 65 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít ) và 19 mã số cho các cơ sở đóng gói (Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú).

Riêng 65 mã số vùng trồng xoài với diện tích 7.952,355ha, trong đó có 35 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính; 30 mã số vùng trồng xoài đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Có 2 mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trên xoài keo tại An Phú. 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 386ha chủ yếu Tri Tôn, 4 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86ha ở TP. Châu Đốc, huyện Chợ Mới, TX. Tân Châu. Từng bước hình thành vùng trồng chuối cấy mô diện tích khoảng 400ha tập trung ở Tri Tôn, sản lượng ước đạt 19 tấn/ha/năm, tiêu thụ ổn định.

Tiêu thụ tốt, liên kết hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp (DN) từ đó đảm bảo sản xuất và đầu ra cho người nông dân. Tỉnh An Giang đã kêu gọi và thực hiện liên kết với một số công ty đã và đang tiêu thụ xoài, như: Công ty XNK Trái cây Chính Thu, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty TNHH DT-PRO, Công ty TNHH TMDV Ánh Dương Sao, Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T, Công ty Cổ phần Nafoods Group, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)...

Theo xu thế phát triển của xã hội, tỉnh còn hình thành hơn 70 vựa xoài,  trong đó có khoảng 15 vựa đóng Container xuất khẩu, mỗi vựa khoảng 1-2 Container/ngày, mỗi Container khoảng 35-40 tấn (sản lượng xoài ước tính khoảng 300-400 tấn/ngày được xuất khẩu).

Đã củng cố và hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hội làm vườn sản xuất trái cây, như: HTX sản xuất GAP Bình Phước Xuân, HTX trái cây GAP Chợ Mới sản xuất xoài 3 màu; HTX nông nghiệp Long Bình của huyện An Phú sản xuất xoài keo; THT làm vườn Bến Bà Chi của huyện Tri Tôn và Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi của huyện Tịnh Biên sản xuất xoài cát Hòa Lộc.

Ngoài ra, còn có các câu lạc bộ nông dân, các quán cà phê khuyến nông, hội quán... là nơi để nhà vườn trao đổi kinh nghiệm trong liên kết sản xuất. Việc gắn kết các doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ đã tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Cần có giải pháp sản xuất bền vững

Thực tế, nông dân An Giang còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất cây ăn trái, mặc dù ngành chuyên môn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nhưng vẫn chưa đảm bảo được kỹ thuật sản xuất phục vụ xuất khẩu. Sản xuất còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, có liên kết nhưng còn lỏng lẻo nên không chỉ nông dân mà cả DN cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu. Chưa có dự báo chính xác nhu cầu của thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước nên khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái. Phần lớn các HTX cây ăn trái còn thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Vì thế, chưa đủ mạnh để làm đầu mối tập hợp nông dân tạo vùng sản xuất đủ lớn để liên kết DN thu mua.

Hiện nay, sản lượng xoài khoảng 20-30% chưa đạt chuẩn theo phân khúc thị trường xuất khẩu, vì vậy khó khăn cho việc tiêu thụ và ảnh hưởng đến lợi nhuận người dân trong quá trình sản xuất, vì vậy rất cần các nhà máy chế biến các sản phẩm xoài. Để sản xuất được bền vững, các tổ hợp tác, HTX và DN cần liên kết chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái, trong đó có trái xoài. Các HTX ngành hàng xoài cần phải nhạy bén tìm kiếm thị trường, đối tác để tiêu thụ sản phẩm cho các bà con thành viên. 

Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư mời gọi các công ty, DN trong và ngoài tỉnh liên kết và tiêu thụ ngành hàng trái cây. UBND, ngành nông nghiệp tỉnh rất mong muốn các DN đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến cây ăn trái. Vì hiện nay, An Giang đang có diện tích cây ăn trái khá lớn đủ cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến cho công ty lâu dài.

HẠNH CHÂU