Để ngành thủy sản phát triển bền vững

24/10/2019 - 07:44

 - “Trước hết, những người tham gia cùng một ngành hàng phải có “tiếng nói chung”, đó là sự kết hợp giữa chiều dọc và chiều ngang, giữa ngư dân với nhà máy để giải quyết những vấn đề còn bất cập. Sản xuất phải bắt đầu từ thị trường. Muốn vậy, phải tăng cường sự phối hợp giữa các bên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục mở rộng thị trường…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm phân tích.

Tăng cường phối hợp

Ngày 9-10 vừa qua, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản (AFA) phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động. Mục tiêu của việc ký kết nhằm tăng cường sự phối hợp giữa 2 đơn vị trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp về quản lý nhà nước mang tính chuyên ngành với quản lý cộng đồng để thực hiện mục tiêu đưa ngành thủy sản phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết này còn giúp tăng cường trao đổi thông tin về lĩnh vực quản lý nhà nước để thông báo kịp thời cho nhau những chủ trương, chính sách của ngành, hướng tới sự hợp tác vì lợi ích chung, góp phần nâng cao chất lượng quản lý cộng đồng, xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Nếu các tỉnh ĐBSCL nơi nào cũng làm được mô hình ký kết này thì bản thân ngành hàng này sẽ mạnh lên

Nếu các tỉnh ĐBSCL nơi nào cũng làm được mô hình ký kết này thì bản thân ngành hàng này sẽ mạnh lên

“Sự phối hợp này là để đảm bảo sự điều hòa, phối hợp chặt chẽ trong quy trình tạo ra sản phẩm xuất khẩu như: từ khâu sản xuất giống đến chế biến, tiêu thụ; tạo ra số lượng sản phẩm mang tính ổn định, đúng quy trình kỹ thuật, đạt chất lượng xuất khẩu, mang lại hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp…” - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Phan Văn Ninh chia sẻ.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa 2 đơn vị để đẩy mạnh ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện đúng các quy định quản lý ngành như: quản lý quy hoạch, giống, quản lý chất lượng… Qua đó, tiến hành vận động ngư dân vào sinh hoạt trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà ở đó đòi hỏi phải tuân thủ quy trình sản xuất đạt chất lượng cao trước khi xuất bán ra thị trường. “Chúng tôi hy vọng, việc ký kết sẽ góp phần lập lại trật tự trong phát triển ngành, ai nuôi cá ngoài quy hoạch sẽ không còn nuôi được. Con giống kém chất lượng sẽ không bán được. Người nuôi cá phải tham gia vào một tổ chức xã hội nghề nghiệp để tình trạng dư thừa không xảy ra như đã từng xảy ra lâu nay” - ông Trần Văn Toàn (ngư dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Mở rộng thị trường

Để ngành thủy sản tỉnh phát triển mang ổn định, bền vững, ngoài việc phối hợp trong công tác quản lý, điều hành, một vấn đề khác mang tính cốt yếu, giúp ngành hàng này phát triển là phải tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các đối tượng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng. Năm qua, cả nước xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi, người tiêu dùng đã quay sang sử dụng các loại thủy sản với số lượng rất lớn. Mặc dù vậy, giá cá tra luôn ở mức thấp, trong khi các loài cá khác như: cá điêu hồng, cá he, cá hú, cá lóc, cá rô, cá mè vinh… có giá rất cao. “Nguyên nhân do ngư dân nuôi quá nhiều cá tra, trong khi nhà nước chưa quản lý được diện tích nuôi này, từ đó tạo ra sự dư thừa không cần có. Do vậy, việc quản lý diện tích nuôi là vấn đề cần làm trong giai đoạn hiện nay” - ông Toàn đề xuất.

Bên cạnh việc nâng cao vai trò quản lý đối với ngành thủy sản, nhà nước cần có cơ chế, chính sách tốt hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “đầu tàu” tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Châu Á, ngư dân và doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài sản phẩm cá fillet, cần tăng cường công tác quảng bá, bán các sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng.

Trở lại việc ký kết quy chế phối hợp hoạt động giữa Hiệp hội Thủy sản với Sở NN&PTNT, từ đây sẽ mở ra một triển vọng mới cho ngành thủy sản của tỉnh, bởi theo quy chế, Sở NN&PTNT sẽ tạo điều kiện để AFA tham gia xây dựng chương trình, dự án thủy sản trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn hội viên tiếp cận các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển thủy sản. Ngược lại, AFA sẽ tích tham gia đóng góp, phản biện xã hội đối với việc quy hoạch phát triển ngành hàng, đồng thời đề xuất những chính sách phù hợp để ngành thủy sản phát triển.

“Mô hình phối hợp hoạt động giữa 1 bên là Sở NN&PTNT (cơ quan quản lý chuyên ngành) và 1 bên là Hiệp hội Thủy sản (một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên quản lý cộng đồng) là cách làm hay cần được nhân rộng. Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ khuyến khích các địa phương khác nghiên cứu, học tập mô hình này để triển khai nhân rộng ra toàn vùng. Mục tiêu cuối cùng là đưa ngành hàng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng phát triển ổn định, bền vững” - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN