Bệnh nhân nhi điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Số bệnh nhi nhập viện tăng nhanh
Những ngày này, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương luôn chật kín giường bệnh. Các bệnh nhi đang nằm điều trị tại đây hầu hết đều có triệu chứng vừa và nặng, điều trị cùng bố, mẹ hoặc người thân cũng mắc COVID-19.
Buổi chiều, buồng bệnh tại khoa Nhi bỗng rộn ràng hẳn lên khi có gia đình được ra viện, những tiếng cười nói vui vẻ làm át đi không khí vốn im lặng, nặng nề của khu điều trị COVID-19. Tất bật chuẩn bị đồ đạc để cả nhà cùng ra viện, chị Trịnh Huyền Linh (ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Sau 10 ngày điều trị, đến nay con tôi đã khỏi bệnh, được về nhà. Cả nhà tôi có 8 người bị mắc COVID-19, riêng cháu còn nhỏ bị nặng hơn. Cháu khởi phát với các biểu hiện: Sốt cao 40 độ, co giật, lịm người... Ngay khi nhập viện, cả cháu và tôi đều được phát hiện mắc COVID-19. Gia đình tôi rất lo lắng vì cháu chưa được tiêm vaccine và cũng lo các triệu chứng hậu COVID-19 sau này”.
Cũng đang chăm con mắc COVID-19 tại đây, chị Nguyễn Thị Nguyệt Quỳnh, mẹ bệnh nhi Trịnh An Nhi 17 tháng tuổi (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng con nằm viện 11 ngày, đang chờ ra viện. Bệnh nhi đã ổn định sức khỏe, vui vẻ chơi đùa trên giường bệnh.
Các trẻ mắc COVID-19 nhập viện đều có biểu hiện nặng, cần can thiệp y tế.
“Khi phát hiện bị dương tính với SARS-CoV-2, con tôi đã có biểu hiện sốt cao liên tục, khó thở, thở rút lõm ngực, sốt mê man... và phải đưa đi cấp cứu ngay và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Rất may, sau thời gian theo dõi, điều trị, đến nay các triệu chứng của cháu đã giảm, sức khỏe ổn định hơn”, chị Nguyễn Thị Nguyệt Quỳnh cho biết.
Hiện tại Khoa Nhi được Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giao 80 giường điều trị bệnh nhi mắc COVID-19, tuy nhiên hiện nay Khoa đang phải gánh tới 100 giường bệnh.
BS. Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện, tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào Khoa để điều trị. Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa phần trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện có triệu chứng như: Sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…”
Trẻ mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi
Cũng theo BS Nguyễn Thành Lê, tỷ lệ diễn biến nặng ở trẻ mắc COVID-19 thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, khi số lượng ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên. Trẻ nhỏ khi mắc COVID-19 thường có diễn biến nhẹ; tuy nhiên, một số trẻ có bệnh nền như: Bệnh về thận, huyết học, cơ địa béo phì… có thể diễn biến nặng hơn, nhưng thường các trường hợp điều trị cũng khỏi nhanh hơn so với người lớn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, đa số các trường hợp trẻ mắc COVID-19 trong những ngày đầu thường có biểu hiện sốt; cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay mà cần làm theo các cách hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cụ thể, khi trẻ sốt thì cho uống hạ sốt, nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ không nên mua bất cứ các sản phẩm nào khác mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, không được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất tật mang. Vì hiện nay, trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến khá nhẹ và không dùng bất kỳ loại thuốc kháng virus nào.
Về cách theo dõi trẻ tại nhà, BS. Nguyễn Thành Lê khuyến cáo cha mẹ không cần thiết phải sử dụng kẹp đo SpO2 vì thiết bị sử dụng tại nhà này đôi khi sẽ không cho kết quả chính xác nếu không biết cách đo. Tốt nhất, cha mẹ nên theo dõi nhịp thở của trẻ theo hướng dẫn, theo dõi xem trẻ có bị thở rút lõm ngực hay không để sớm phát hiện các dấu hiệu về đường hô hấp.
Đối với chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mắc COVID-19, khi trẻ sốt sẽ bị mất nước nên cha mẹ cần phải bù nước đủ cho trẻ. Cha mẹ cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cho con như bình thường. Nếu trẻ không ăn uống được thì có thể chia nhỏ các bữa hoặc ăn các chế phẩm dễ tiêu như cháo, sữa, cố gắng đảm bảo chế độ như trước khi trẻ mắc bệnh.
Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin Tức)