Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Với các điều chỉnh như tăng tính phân hóa của đề thi, thay đổi cách tính điểm ưu tiên, điểm chuẩn xét tuyển đại học theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay đã không còn hiện tượng “chạm nóc”, lên tới 30, thậm chí trên 30 điểm như các năm trước đây. So với năm 2022, điểm chuẩn các ngành “hot” đã “hạ nhiệt”.
Ở khối ngành xã hội, điểm chuẩn ngành Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2022 gây “dậy sóng” khi lên tới 29,9 điểm ở tổ hợp C00, nhưng năm nay, con số này đã giảm còn 28,5 điểm, dù vẫn ở mức rất cao. Các tổ hợp xét tuyển khác của ngành này như A1, D78 cũng giảm nhẹ từ 0,25 đến 0,75 điểm.
Ngoài ngành Báo chí, năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn nhiều ngành khác có điểm chuẩn lên đến 29 điểm. Các ngành Đông Phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ công chúng có cùng điểm chuẩn 29,95 điểm. Ngành Khoa học quản lý, ngành Quản trị văn phòng, Quốc tế học, Quản lý thông tin đều có điểm chuẩn 29 điểm).
Tuy nhiên, năm nay, trường này không có ngành nào có điểm chuẩn lên đến 29 điểm. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Quan hệ công chúng với 28,78 điểm (tổ hợp C00). Đây cũng đang là mức điểm chuẩn cao nhất nhóm ngành xã hội, khối dân sự.
Ở khoảng điểm từ 24 đến 26 điểm, mức điểm chuẩn của các trường cơ bản giữ nguyên. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa giảm 0,4 điểm (từ 27,61 điểm năm 2022 xuống 27,57 điểm), ngành Kỹ thuật máy tính vẫn giữ ở mức 28,29 điểm. Năm nay, mức điểm chuẩn cao nhất của đại học này là ngành Khoa học máy tính với 29,42 điểm. Đây cũng đang là mức điểm chuẩn cao kỷ lục của mùa tuyển sinh năm nay ở khối trường dân sự. Năm ngoái, Đại học Bách khoa Hà Nội không có chỉ tiêu ngành này cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tại Đại học Giao thông Vận tải, điểm chuẩn cao nhất năm nay là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 26,15 điểm, giảm 0,1 điểm so với năm 2022. Điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương năm nay cũng cơ bản giữ như năm ngoái với mức từ trên 26 đến trên 28 điểm. Phó giáo sư Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cũng cho rằng điểm thi năm nay đã giữ được sự ổn định so với năm trước khi điểm chuẩn không biến động quá nhiều, chỉ điều chỉnh nhẹ từ 0,2 đến 0,3 điểm.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy chế thi với cách tính điểm cộng ưu tiên giảm dần theo điểm thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đó, điểm chuẩn của các ngành ở tốp giữa, với khoảng điểm chuẩn từ 21-23 điểm, lại có xu hướng tăng. Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật Sinh học của Đại học Bách khoa Hà Nội tăng từ 23,25 điểm (năm 2022) lên 24,6 điểm; ngành Kỹ thuật hóa học tăng từ 23,03 điểm lên 23,7 điểm; ngành Công nghệ giáo dục tăng từ 23,15 điểm lên 24,55 điểm. Tại trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, mặt bằng điểm cũng tăng so với năm trước.
Phân tích về sự chuyển dịch này, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ cho hay năm nay là dấu hiệu tích cực. Các trường tốp trên như Trường Đại hoc Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội… vẫn giữ chất lượng đầu vào cao.
Việc các ngành “hot” với điểm chuẩn ngất ngưởng gần chạm “trần” không còn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh cách tính điểm cộng ưu tiên theo hướng với các thí sinh từ 22 điểm trở lên thì điểm chuẩn càng cao, điểm cộng càng giảm.
Bên cạnh đó, việc bộ điều chỉnh tăng tính phân hóa trong đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng khiến cho số lượng điểm giỏi, xuất sắc giảm đi. Tuy nhiên, do các trường đại học cũng ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, tăng chỉ tiêu ở các phương thức khác và giảm chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên dù số lượng thí sinh đạt điểm giỏi giảm, mức điểm chuẩn ở các trường tốp đầu vẫn giữ ở mức cao.
Cũng do sự điều chỉnh của đề thi nên số lượng thí sinh đạt điểm khá và cận giỏi tăng lên, vì thế điểm chuẩn nhóm ngành ngưỡng 21-23 điểm có xu hướng tăng nhẹ.
“Tôi cho rằng điểm chuẩn như năm nay là dấu hiệu tích cực khi các trường tốp trên vẫn giữ vững chất lượng đầu vào. Các trường cũng dần đa dạng phương thức tuyển sinh nhưng điểm thi không có biến động lớn, tạo sự ổn định cho thí sinh,” Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.
Theo Vientamplus