Điểm mới trong truyền thông dân số và phát triển

05/10/2020 - 06:35

 - Xác định công tác truyền thông là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, 5 năm qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã cùng các cấp, ngành đa dạng hóa các hình thức truyền thông và gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Trên cơ sở đó, chi cục tiếp tục xây dựng kế hoạch để làm tốt hơn công tác truyền thông dân số trong giai đoạn mới.

Tuyên truyền về giới tính, sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình trong ngành giáo dục.          

Trong giai đoạn 5 năm (từ 2016-2020), công tác tuyên truyền, vận động từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đổi mới, phù hợp với từng nhóm đối tượng, được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đó là tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng pa-nô, khẩu hiệu, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm, hội, hội thi tìm hiểu chính sách dân số, sinh hoạt lồng ghép ở các khóm, ấp, khu dân cư, vùng tôn giáo.

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền trong chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, xem việc thực hiện chính sách này là nghĩa vụ của mỗi người để góp phần giảm bớt gánh nặng về dân số của đất nước. Đồng thời, xây dựng các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”, “Tiền hôn nhân”.

Cùng với đó, đội ngũ cộng tác viên dân số ở các khóm, ấp thường xuyên tuyên truyền, vận động trực tiếp đến với người dân. Trong đó, tập trung vào các cặp vợ chồng đã có 2 con để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ 3 trở lên. Các chương trình, đề án về nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc SKSS được triển khai thực hiện tốt thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục thay đổi hành vi; xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình, các câu lạc bộ, lồng ghép nội dung chính sách dân số vào các quy ước khu dân cư, chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân cư, có mức sinh cao.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, định hướng công tác dân số đến năm 2030 của tỉnh sẽ là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, chi cục sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới; xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số, phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số và dân số với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Đó còn là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục vận động các ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng, kết hợp đáp ứng đầy đủ các dịch vụ về dân số-phát triển và SKSS/KHHGĐ an toàn, thuận tiện, chất lượng cao; thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030 theo hướng nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cung cấp dịch vụ KHHGĐ; đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân số, thống kê chuyên ngành dân số, quản lý các dịch vụ dân số. Đồng thời, kiện toàn, ổn định tổ chức, bộ máy chuyên trách làm công tác dân số hiện nay theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, thực hiện chức năng quản lý và điều phối có hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới…

Bài, ảnh: NGỌC GIANG