Doanh nghiệp qua 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

26/07/2021 - 19:22

Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng trên địa bàn tỉnh An Giang từ 0 giờ, ngày 15-7. Tuân thủ theo nội dung chỉ thị, để duy trì sản xuất và đảm bảo an toàn cho người lao động, các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện nhiều cách làm. Sau hơn 10 ngày áp dụng chỉ thị, bên cạnh những khó khăn, người sử dụng lao động còn trăn trở với bài toán chi hỗ trợ cho công nhân lao động khi ngưng việc, tạm hoãn việc, hoãn hợp đồng lao động…

Theo thống kê, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 27 doanh nghiệp dừng hoạt động, trong đó 6 doanh nghiệp ngừng hoạt động một bộ phận. Trong tổng cộng trên 21.741 người lao động của các công ty nói trên, có hơn 17.000 người lao động được chủ sử dụng lao động hỗ trợ lương trong thời gian thực hiện chỉ thị; 1.357 người lao động đang chờ công ty tính chế độ hỗ trợ; số còn lại ngưng việc và không có lương. Bên cạnh đó, có 11 doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm, 5 doanh nghiệp có 166 lao động hoãn thực hiện hợp đồng lao động không lương với người lao động; 8 doanh nghiệp, với 218 lao động đã tạm dừng việc từ khi dịch bùng phát (ngày 27-4).

Hầu hết doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Bình Hòa và Khu công nghiệp Bình Long tạm ngưng hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg do số lượng công nhân quá lớn, không thể bố trí để thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Có 5 công ty vẫn trả lượng cho công nhân trong thời gian này áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng. Một số công ty dù ngưng hoạt động, nhưng vẫn duy trì số ít lao động (khoảng 20 người) để vệ sinh, sửa chữa máy móc và được trả lương bình thường. Còn lại số ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng lao động nhỏ, việc đi lại đảm bảo trong phạm vi an toàn nên vẫn duy trì làm việc, sản xuất bình thường.

Sắp xếp giảm quy mô sản xuất, thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong doanh nghiệp

Toàn tỉnh chỉ có 20 công ty đủ khả năng tổ chức phương án “3 tại chỗ” cho 3.414 người lao động. Đơn cử, tại TP. Long Xuyên có 2 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hưng Phúc Thịnh vì số lượng lao động vừa phải. Riêng Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hưng Phúc Thịnh còn hỗ trợ lao động 500.000 đồng/ngày đến ngày 1-8 cho công nhân, thuê phòng bên ngoài cho công nhân nhà xa có điều kiện đi làm thuận lợi. Tương tự, Công ty TNHH Hồng Ngọc (TX.  Tân Châu) có 230 lao động, vừa bố trí cho người lao động ở lại nhà xưởng làm việc, đồng thời thuê nhà gần công ty để người lao động đi làm thuận lợi.

Trong khi đó, những doanh nghiệp đông lao động hơn phải giảm bớt nhân sự tham gia sản xuất. Điển hình, Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long, để thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã tốn kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, khoảng 510 lao động tạm dừng hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 không hưởng lương (trong đó có 220 lao động công nhật). Công ty Cổ phần Nam Việt bố trí cho 500 công nhân lao động là những người nhà ngoài địa bàn TP. Long Xuyên và qua phà, đò; hỗ trợ cho công nhân tiền ăn khi người lao động ở lại công ty làm việc.

Phục vụ bữa ăn đảm bảo 3 bữa/ngày cho công nhân lao động

Các doanh nghiệp cho biết thực hiện phương án “3 tại chỗ” rất khó vì mặt bằng diện tích sản xuất không rộng (chỉ đủ sản xuất), nên không thể có chổ bố trí cho công nhân ở lại công ty, cũng không có đủ trang thiết bị cung ứng cho sinh hoạt hàng ngày.

Cùng với nỗ lực tổ chức, sắp xếp lại sản xuất để đảm bảo an toàn chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, doanh nghiệp phản ánh đang gặp khó khăn cần ngành chức năng hỗ trợ. Tuy hàng hóa trên thì trường không khan hiếm, nhưng lượng người dân mua lương thực, thực phẩm rất nhiều, tập trung cùng một lúc làm khang hiếm thịt heo, cá biển, rau củ... dẫn đến giá thành cao. Các bếp ăn của doanh nghiệp mua hàng không đáp ứng đủ nấu cho công nhân ăn bữa ăn giữa ca.

Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp dẫn đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp giảm giờ, ngày làm của người lao động, ngừng việc hoặc thu gọn lại lao động… thu nhập của người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh giảm nhiều. Riêng đối với ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, thủy sản, giáo dục tư thục hiện nay phần lớn ngừng hoạt động dẫn đến thu nhập người lao động rất thấp hoặc mất thu nhập, đời sống đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, các công ty được Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng chính quyền địa phương đôn đốc, hướng dẫn người sử dụng lao động triển khai thực hiện bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất- kinh doanh cũng như phương thực hiện trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch COVID-19. Đồng thời, vừa ghi nhận, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cùng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này.

MỸ HẠNH