Ngày 21/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA tổ chức lễ công bố và vinh danh ‘Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024’. Đây là lần thứ 11 với mục đích bình chọn và công nhận các doanh nghiệp công nghệ số uy tín, có năng lực hàng đầu của Việt Nam, từ đó giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp này với đối tác trong nước và quốc tế.
Nhận định lễ vinh danh ‘Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam’ là sự kiện ý nghĩa, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (ICT) thuộc Bộ TT&TT cho biết: Bộ TT&TT đánh giá cao hiệu quả của chương trình này cùng các hoạt động thường niên khác của VINASA trong việc góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu ngành công nghệ số Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cũng cho hay: “Với sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ số thế hệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, CNTT đã chuyển thành công nghệ số. Công nghệ số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển đất nước”.
Dẫn ra những quan điểm mới, định hướng lớn về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu ra trong bài viết dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh 2/9, đại diện Cục Công nghiệp ICT nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra cho ngành TT&TT, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trọng trách vô cùng to lớn; đồng thời, cũng tạo cơ hội và điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển bùng nổ của ngành cùng với sự phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.
Theo đại diện Cục Công nghiệp ICT, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỉ USD, tăng 17,78% so với 9 tháng đầu năm 2023; trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,86% so với 9 tháng năm 2023.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã quy tụ hơn 51.000 doanh nghiệp, tạo ra việc làm cho trên 1,5 triệu người, trong đó khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nước và quốc tế, góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới về công nghiệp số.
“Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã và đang đồng lòng, chung tay cùng Chính phủ, Bộ TT&TT khai thác triệt để các cơ hội mà công nghệ số đem lại; thiết kế, sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số mang lại niềm tin, phát triển kinh tế số mang lại thịnh vượng và phát triển xã hội số mang lại hạnh phúc cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đại diện Cục Công nghiệp ICT khẳng định.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch VINASA Ngô Diên Hy cũng nhấn mạnh: Doanh nghiệp công nghệ số đã được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong xung kích chuyển đổi số. Vì thế, việc lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ số uy tín, xuất sắc có thể đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và kết nối hợp tác toàn cầu càng có ý nghĩa quan trọng.
Vinh danh 81 lượt doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc
Với ‘Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam’ năm 2024, chương trình thu hút sự tham gia của 192 đề cử từ 140 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Qua 3 vòng đánh giá, Ban tổ chức ghi nhận thành tích xuất sắc của 81 lượt doanh nghiệp tại 22 lĩnh vực, trong đó có 11 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng.
Ban tổ chức cũng cho biết, các top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc năm nay có tổng doanh thu hơn 4,7 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 75.000 lao động. Đây là những doanh nghiệp uy tín, đạt được những thành tựu lớn về doanh thu, có năng lực công nghệ xuất sắc, mà còn cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, quan tâm đến phát triển xanh và bền vững.
Đại diện VINASA nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tạo nền tảng từ việc sở hữu, phát triển, ứng dụng những công cụ công nghệ tiên tiến, và phát triển được lực lượng chuyên gia, kỹ sư CNTT xuất sắc. Đặc biệt, nhiều công ty đã có những sản phẩm AI được cấp bằng sáng chế, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
“Công thức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số thời gian qua là đầu tư mạnh cho ứng dụng các công cụ AI như OCR, Chatbot, Test automation... với mục tiêu tăng năng suất lao động, tăng tốc độ đóng gói sản phẩm, từ đó tối ưu được nguồn lực tạo ra tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận”, đại diện VINASA thông tin thêm.
Cùng với đó, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đảm nhận trách nhiệm trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn là những người tiên phong trong chiến lược ‘Go global’ và sáng kiến ‘Make in Viet Nam’ - sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt Nam để giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong tương lai, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, như công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi xanh - thông minh.
Chia sẻ kỳ vọng của Bộ TT&TT với các doanh nghiệp vừa được vinh danh, Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Khắc Lịch tin tưởng các chủ nhân của danh hiệu Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc như những ‘cánh chim đầu đàn’ vươn cao, bay xa dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò tiên phong, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới.
Bày tỏ sự tri ân cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển chung của ngành và đất nước, ông Nguyễn Khắc Lịch khẳng định Bộ TT&TT luôn ủng hộ, đồng hành cùng VINASA và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Sau hơn 10 năm VINASA tổ chức chương trình ‘Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam’, từ con số 30 doanh nghiệp được chọn trong 2 lĩnh vực sản xuất phần mềm và gia công xuất khẩu, đến nay đã có 763 lượt doanh nghiệp được vinh danh. Doanh thu của toàn ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đã tăng hơn 4,5 lần và góp 14,4% vào GDP cả nước.