Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đơn vị kịp thời tổng hợp, phân tích nội dung phản ánh DLXH gửi đến lãnh đạo tỉnh, địa phương, đơn vị để phối hợp giải quyết, định hướng dư luận. Trong quý I/2024, có 12 thông tin nhanh tình hình báo chí và DLXH được gửi đến gần 500 địa chỉ mail, Zalo của lãnh đạo các cấp; 5 báo cáo đột xuất, trực tiếp gửi Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số sở, ngành, địa phương; trên 200 nội dung phản ánh liên quan đến tình hình thế giới, công tác quản lý, điều hành trong nước, trong tỉnh; hơn 100 phản ánh, kiến nghị bằng văn bản gửi đến sở, ngành, địa phương yêu cầu giải quyết, phản hồi.
Công tác phối hợp nắm bắt, giải quyết, phản hồi và định hướng DLXH ngày càng chặt chẽ, tiếp tục phát huy hiệu quả. Các ngành chức năng ngày càng quan tâm, xem phản ánh của dư luận là kênh nắm bắt tồn tại, hạn chế của mình để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thời gian tới. Hoạt động giao ban DLXH, gặp mặt đội ngũ cộng tác viên được địa phương, đơn vị tổ chức thường xuyên theo kế hoạch.
Hội nghị giao ban công tác dư luận xã hội quý I/2024
Một số địa phương, đơn vị đã quan tâm, chú trọng hơn công tác nắm bắt, thông tin định hướng kịp thời DLXH, nhất là những vấn đề “nóng”, được người dân quan tâm trên địa bàn. Điển hình như huyện Châu Phú, trong tháng 3/2024 diễn ra tin đồn về cồn nổi tại tổ 8, ấp Bình Thới, xã Bình Thủy, thu hút nhiều người đến quay phim, chụp hình, đăng tin sai sự thật. Các bài đăng làm cho hàng trăm người dân hiếu kỳ từ các địa phương khác đến khu vực trên.
Qua trao đổi với những người dân sống tại khu vực trên, đây là hiện tượng bình thường trên 30 năm. UBND xã Bình Thủy chỉ đạo lập 3 chốt vận động người dân quay về địa phương, sớm ổn định tình hình. Tổ DLXH huyện thường xuyên nắm dư luận ngoài xã hội; rà soát, theo dõi mạng xã hội có địa chỉ (hoặc nghi có địa chỉ) tại huyện Châu Phú đăng tải, chia sẻ thông tin chính trị không chính xác, sai sự thật, có mục đích chống phá Đảng, Nhà nước… để kịp thời báo cáo cấp ủy Đảng chỉ đạo xử lý. Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Đài Truyền thanh huyện, xã xây dựng bài viết, bản tin tuyên truyền, chia sẻ nội dung tích cực, định hướng dư luận.
Tương tự, tại Huyện ủy Thoại Sơn, công tác nắm bắt và định hướng DLXH được tăng cường triển khai với nhiều hình thức: Thông qua việc cập nhật, rà soát thông tin trên mạng xã hội; diễn đàn cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe dân nói, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 3 cấp; hoạt động báo chí truyền thông, hoạt động kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức Đảng; giao ban sơ, tổng kết, điều tra khảo sát thăm dò dư luận, sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của Đảng, dân tộc, tôn giáo… kịp thời cung cấp thông tin cho cấp ủy Đảng, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để định hướng tình hình tư tưởng và DLXH đia phương.
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng tại các hội nghị giao ban DLXH định kỳ, nhiều đơn vị, địa phương thẳng thắn thừa nhận, công tác dự báo, phát hiện vấn đề phức tạp, xu hướng vận động trong diễn biến tư tưởng chính trị, DLXH có lúc, có nơi chưa thật sự chủ động, tính nhạy bén chưa cao. Có những việc xảy ra trên địa bàn nhưng chậm phát hiện. Sự phối hợp giữa công tác DLXH và hoạt động ban chỉ đạo 35 các cấp chưa thật nhịp nhàng, thậm chí đôi lúc rời rạc. Trong khi, 2 công tác này phải gắn kết chặt chẽ với nhau, phối hợp, hỗ trợ cho nhau.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc nắm bắt, phản ánh tình hình DLXH không chỉ trong thực tiễn, mà còn cả trên không gian mạng. Sau đó là quá trình phân tích, đánh giá, tổng hợp và chỉ ra các luồng DLXH đang tồn tại; dự báo xu hướng vận động, diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu cấp ủy Đảng định hướng đúng, trúng và kịp thời.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương đề nghị: “Chúng ta cần đổi mới nhiều hơn nữa về nội dung, đa dạng hóa về phương thức nắm bắt DLXH, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả theo hướng “sát hơn với cơ sở; thực chất hơn trong từng vấn đề, vụ việc cụ thể; kịp thời hơn trong chỉ đạo, định hướng công tác DLXH”. Cùng với đó, tham mưu cho cấp ủy Đảng kịp thời tháo gỡ vấn đề đặt ra; tăng cường thông tin cho ngành dọc và cấp ủy cấp trên. Yêu cầu đặt ra với công tác này là phải nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Phát huy tốt hơn nữa vai trò các lực lượng (báo cáo viên, tuyên truyền viên…); gắn kết chặt chẽ chừng nào, hiệu quả cao chừng nấy”.
Đúc kết từ thực tiễn, đồng chí Trần Thị Thanh Hương lưu ý, qua nắm bắt DLXH, cần nhắc nhở, đôn đốc địa phương, đơn vị liên quan tiếp thu, giải quyết một cách thực chất vấn đề. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của địa phương, đơn vị về tầm quan trọng của công tác DLXH; củng cố niềm tin, nâng cao vai trò, vị thế của địa phương, đơn vị.
TÂM MINH