Đổi thay vùng quê

04/11/2020 - 06:31

 - Về thăm những vùng quê trên địa bàn huyện Châu Thành (An Giang), nhà nhà, người người phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Đường quê mở rộng, bê-tông hay láng nhựa phẳng phiu, rực rỡ cờ hoa và cây xanh bên lề đường… Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã không ngừng phấn đấu trong những năm qua.

Khánh thành cầu nông thôn

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Các công trình cơ sở hạ tầng, hệ thống trường lớp, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới, khang trang, đặc biệt phải kể đến đó là thu nhập và đời sống nhân dân vùng nông thôn từng bước cải thiện…

“Không chỉ tôi mà bà con chòm xóm đều rất phấn khởi trước sự thay đổi của vùng quê này. Chúng tôi luôn đồng lòng, ủng hộ, chung tay cùng chính quyền tiếp tục xây dựng quê hương, xây dựng NTM theo tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu… nhằm cải thiện hơn nữa đời sống người dân” - ông Nguyễn Văn Lành (xã Vĩnh Nhuận) cho biết.

Với sự nỗ lực vượt khó cùng nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, đến nay, huyện Châu Thành cơ bản đạt 2/9 tiêu chí “Huyện NTM” theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận, Cần Đăng, Bình Hòa và An Hòa. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Phước Dũng cho biết: “Việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Điều đó tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành nỗ lực trở thành “Huyện NTM” trong giai đoạn 2021-2025”.

Sự đồng thuận của người dân còn thể hiện ở sự tích cực thi đua lao động sản xuất. Với thế mạnh về nông nghiệp, huyện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng khai thác các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế ở địa phương, với những mô hình sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm tạo thêm thu nhập cho người dân.

“Địa phương tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nhau và với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, phát triển nền nông nghiệp bền vững…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết.

Diện mạo nông thôn khởi sắc. Ảnh: TRUNG HIẾU

Sự đổi thay, phát triển của các vùng quê trên địa bàn huyện Châu Thành gắn liền với công trình do nhà nước và nhân dân cùng làm. Công cuộc xây dựng NTM đã tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn, làm thay đổi dần diện mạo vùng nông thôn. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người nghèo luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn...

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Châu Thành Đoàn Hồng Danh cho biết, với khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, địa phương đã thực hiện nhiều công trình an sinh xã hội, với sự đồng tình, hưởng ứng nhiệt tình, ủng hộ từ quần chúng nhân dân. Bà Nguyễn Thị Tưởng (ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa) cho biết: “Nhờ xây dựng NTM, hệ thống giao thông từng bước được hoàn chỉnh, đời sống của người dân theo đó được nâng lên rõ rệt. Trước đây, vào mùa mưa, việc đi lại của bà con, học sinh đi học rất khó khăn. Tôi và người dân nơi đây rất vui mừng và phấn khởi trước sự thay đổi tích cực của địa phương”.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện các công trình cầu, đường nông thôn.

Đặc biệt, các xã vùng sâu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thi đua lao động sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất và đẩy mạnh đầu tư y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng… nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, tạo sự chuyển biến mọi mặt của các địa phương vùng nông thôn.

TRUNG HIẾU