Đồng thuận, đồng lòng phòng, chống dịch bệnh

12/08/2021 - 06:52

 - Dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều giải pháp được đề ra nhằm khống chế sự lây lan, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của toàn xã hội. Các giải pháp ấy có hiệu quả hay không, hiệu quả đến mức nào, phụ thuộc rất lớn vào sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

“Trách nhiệm của cán bộ, công chức là chấp hành nghiêm quy định của chính quyền địa phương”

Ngày 10-8, UBND TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) ban hành Công văn 3899/UBND-TH về việc tăng cường kiểm soát các phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhắc lại quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố khi đến chốt kiểm soát phải xuất trình đầy đủ 3 loại giấy tờ: thẻ công chức, viên chức; bản cam kết đi lại xác định cung đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký xác nhận; danh sách làm việc tại cơ quan nhà nước trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Nhiều cán bộ phản ứng TP. Long Xuyên kiểm soát “vượt quyền””, nêu “Nhiều cán bộ trên địa bàn TP. Long Xuyên phản ánh chính quyền TP. Long Xuyên ra quân áp dụng “Chỉ thị 16 nâng cao” khiến việc đến công sở rối ren, lượng người bị chặn lại đông, nguy cơ lây lan dịch bệnh”. Tuy chưa rõ “nhiều cán bộ” là ai, phản ánh của họ có chính xác không, nhưng đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền địa phương TP. Long Xuyên nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: vì sao một chủ trương lại bị chính Cán bộ, công chức, viên chức phản ứng ?

TP. Long Xuyên kiểm tra giấy tờ người lưu thông trên đường

Trên thực tế, các sở, ngành trong tỉnh đều thống nhất cao, ủng hộ chủ trương của UBND TP. Long Xuyên. Đây là chủ trương đúng thẩm quyền, cụ thể hóa quy định của Trung ương và tỉnh, phù hợp tình hình thực tế địa bàn, góp phần tận dụng “thời gian vàng” trong giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, góp phần hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, có hướng giải quyết tiếp theo sau khi hết thời gian giãn cách xã hội (ngày 15-8). Những góp ý, vướng mắc trong quá trình thực hiện ngày 10-8 đã được TP. Long Xuyên cầu thị tiếp thu, điều chỉnh.

“Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nghiêm trọng, nhiều người chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, còn ra đường trong thời gian cách ly xã hội, chưa thực hiện “ai ở đâu ở đấy”. Do đó, văn bản của UBND TP. Long Xuyên ban hành về kiểm tra người lưu thông không trái với quy định của Trung ương, tỉnh, không có vấn đề “vượt quyền”. Mọi Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ công dân khi ra đường, chấp hành theo quy định địa phương, xuất trình giấy tờ khi được kiểm tra tại chốt. Nếu có vướng mắc, cho rằng cách làm của địa phương chưa phù hợp, cần phản ánh đúng quy định, hợp tình hợp lý, theo đúng thẩm quyền. Cán bộ, công chức, viên chức phải là lực lượng đồng thuận trước hết, không được phép nói và làm trái với quy định của Đảng, nhà nước” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang nhận định.

Thống nhất tư tưởng và định hướng dư luận

Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Theo PGS. TS Phạm Xuân Hảo, thời điểm hiện nay, việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội nên được xem là phong cách lãnh đạo, phương thức quản lý xã hội và là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Phải có sự thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; chuyển hóa kết quả nắm bắt, phân tích, nghiên cứu dư luận xã hội thành nội dung của công tác tuyên giáo, công tác dân vận, nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao và phát huy tốt vai trò nêu gương trước quần chúng, trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Chính vì thế, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức. Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chấp hành kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước...

Trở lại câu chuyện liên quan đến chủ trương của TP. Long Xuyên, đây là giai đoạn hết sức căng thẳng, tâm lý xã hội đang bất ổn vì dịch bệnh. Chính vì thế, chỉ cần trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên xuất hiện thông tin chưa đầy đủ, không khách quan “sẽ càng làm nóng tình hình, tạo hiệu ứng hết sức nguy hiểm, đó là “lờn mặt” với luật pháp” - theo lời Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang.

Do đó, ở vai trò của mình, Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm “hiến kế”, góp ý nhưng phải đúng mực, đúng nơi; cùng tham gia định hướng dư luận, vận động quần chúng nhân dân đồng thuận, chấp hành nghiêm quy định, tất cả vì mục đích kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Liên quan đến bài báo “Nhiều cán bộ phản ứng TP. Long Xuyên kiểm soát “vượt quyền””, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang đề nghị UBND tỉnh gửi văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Tuổi Trẻ để yêu cầu làm rõ nội dung liên quan trong bài báo; có hướng xử lý phù hợp theo thẩm quyền, tránh để thông tin trong bài báo làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch của tỉnh.

 GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích