Đột phá mới cho nông nghiệp

22/01/2020 - 04:21

 - Bằng việc tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp An Giang đã có bước chuyển mình đáng kể. Với sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp và đồng lòng của người dân, nông nghiệp An Giang được kỳ vọng sẽ có những đột phá mới từ năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (thứ 3, từ trái sang) chúc Tết Hợp tác xã nông nghiệp An Bình (Thoại Sơn). Đây là hợp tác xã kiểu mới, Tập đoàn Lộc Trời gắn kết thành lập, được tỉnh hỗ trợ

Quan tâm đặc biệt

Xác định nông nghiệp cùng với du lịch là 2 mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của An Giang, Tỉnh ủy đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp. Ngày 27-6-2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 11-11-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những nỗ lực phát triển nông nghiệp đã góp phần tăng giá trị sản xuất và thu nhập của người dân.

Nếu như năm 2016, giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp (trồng trọt và thủy sản) đạt 144 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 31,9 triệu đồng thì năm 2019, giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp ước đạt 183 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 45,36 triệu đồng, vượt trước kế hoạch đề ra (phấn đấu đến năm 2020 đạt 45 triệu đồng/người/năm).

Về tổ chức lại sản xuất, tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa, nếp có liên kết theo tiêu chí “Cánh đồng lớn” năm 2017 đạt 5,2% so tổng diện tích sản xuất, đến năm 2019 đạt 6%; phấn đấu năm 2020 đạt từ 10 - 20%. Hàng năm, có từ 6 - 6,6% diện tích chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.

Giai đoạn 2016-2019, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn duy trì giá trị xuất khẩu cao. Trong đó, gạo đạt sản lượng xuất khẩu từ 395.000-475.000 tấn/năm, kim ngạch từ 176 - 223 triệu USD; thủy sản đạt sản lượng xuất khẩu từ 113.000 - 134.000 tấn/năm, kim ngạch từ 240 - 273 triệu USD; rau quả đông lạnh đạt sản lượng xuất khẩu từ 8.000 - 9.500 tấn/năm, kim ngạch từ 14 - 16 triệu USD…

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngành nông nghiệp cùng với các cấp, ngành đã tổ chức triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa, đưa chủ trương của Tỉnh ủy vào cuộc sống.

Nhiều giải pháp khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, áp dụng mang lại hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng. Một số mô hình hiệu quả tiêu biểu có thể kể đến như: mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống rau ở TX. Tân Châu giúp mang lại doanh thu cho nông dân từ 250 - 300 triệu đồng/1.000m2/năm; mô hình sản xuất thử nghiệm nấm linh chi theo hướng công nghệ cao tại huyện Thoại Sơn giúp đạt doanh thu hơn 333 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất thử nghiệm hoa giống và hoa chậu trong nhà lưới ở Châu Thành có doanh thu 780 triệu đồng/1.000m2/năm; mô hình sản xuất thử nghiệm dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới tự động ở Tịnh Biên cho doanh thu hơn 371 triệu đồng/1.000m2/năm...

Trong canh tác lúa, các biện pháp canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” và các kỹ thuật san bằng mặt ruộng ứng dụng tia laser, máy cấy lúa, máy thu gom rơm, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ, công nghệ IOT... được ứng dụng rộng rãi.

Đối với sản xuất rau màu, việc gieo ươm cây rau giống trong nhà lưới, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng màng phủ nông nghiệp, hệ thống tưới phun tự động, sản xuất rau an toàn hướng VietGAP... được đầu tư nhân rộng. Năm 2019, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã hỗ trợ thêm 36 mô hình NNƯDCNC trên toàn tỉnh ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi, góp phần tăng diện tích sản xuất ƯDCNC.

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao trước đây chưa sản xuất được giờ đã sản xuất thành công (tôm càng xanh toàn đực, lươn đồng, cá chạch lấu, cá heo, cá tra giống cải thiện di truyền, cá hô...), góp phần tăng hiệu quả nghề nuôi thủy sản của tỉnh. Diện tích áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật (ASC, Naturland, VietGAP...) nuôi cá tra 351,7ha.

Chuỗi liên kết sản xuất cá tra 3 cấp đang duy trì hoạt động tốt, điển hình 2 chi hội sản xuất giống cá tra tại Châu Phú là AFA và Chi hội sản xuất cá giống huyện đã cung cấp được hơn 500 triệu con giống ra thị trường. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn đực 158,6ha.

Đối với cây dược liệu, hoa kiểng, nhiều mô hình mới, có giá trị kinh tế cao được khuyến khích đầu tư, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần phục vụ du lịch. Trong đó, mô hình trồng cúc pha lê, đồng tiền, lan Mokara cắt cành được đánh giá mang lại hiệu quả khả quan, hay mô hình trồng huệ sử dụng hệ thống tưới phun tự động cũng được mở rộng diện tích...

Xây dựng “thủ phủ” xoài

An Giang được biết đến là 1 trong 2 tỉnh đứng đầu về sản lượng lúa của cả nước. Tuy nhiên, cây lúa chiếm nhiều diện tích sản xuất nhưng giá trị mang lại chưa thật sự cao. Do vậy, trong định hướng phát triển, tỉnh sẽ tập trung tăng giá trị từ sản xuất giống, duy trì sản xuất lúa hàng hóa theo hướng chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, thực hiện chuỗi liên kết với doanh nghiệp theo “Cánh đồng lớn”.

Đồng thời, chuyển dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là cây ăn trái. Đến cuối năm 2019, tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh là 15.598ha, trong đó cây xoài chiếm 69,2% (10.787ha).

“Diện tích xoài của An Giang là một trong những tỉnh lớn nhất cả nước. Định hướng của tỉnh là trở thành “thủ phủ” xoài, xem đây là một trong những loại cây trồng tạo đột phá cho nông nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cây xoài không phát triển ồ ạt, tự phát mà phải có định hướng quy hoạch, trồng theo tiêu chuẩn an toàn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Theo Sở NN&PTNT, đến nay, diện tích xoài được cấp chứng nhận VietGAP đạt 500ha ở 3 xã cù lao Giêng (Chợ Mới) và 193ha ở các địa phương khác. Đến nay, tổng số vùng trồng xoài đã được cấp mã số (code) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đạt 34 mã số với tổng diện tích hơn 972ha.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp như: Chánh Thu (Bến Tre), Cát Tường, Kim Nhung (Đồng Tháp), Hoàng Phát Fruit… để xuất khẩu vào một số thị trường như: Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Châu Âu, Trung Quốc… Công ty Antesco đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Nông nghiệp Long Bình (An Phú) tiêu thụ xoài Keo để chế biến nước ép xoài.

Ngày 18-5-2019 đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu xoài vào thị trường Hoa Kỳ, cột mốc đánh dấu sự thành công và là cơ hội phát triển cho trái xoài trong tương lai.

Cùng với cây xoài, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo sản xuất các cây ăn trái có giá trị cao ở các vùng có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Bước đầu đã hình thành và kết nối được vùng trồng sầu riêng tưới nhỏ giọt tại Chợ Mới; vùng trồng nhãn tại Châu Phú, Châu Thành; cây có múi tại Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn; vùng trồng mãng cầu ta công nghệ cao tại Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn… góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây ăn trái của tỉnh.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp “kiểu mới”, xem đây là chủ thể gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Tính đến ngày 30-9-2019, toàn tỉnh có 130 HTX nông nghiệp với 11.851 thành viên, trong đó có 122 HTX đang hoạt động và tổ chức theo Luật HTX năm 2012.

Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 35 HTX nông nghiệp. Trong đó, 5 HTX thành lập theo nhu cầu của doanh nghiệp, gồm: 4 HTX gắn với Tập đoàn Lộc Trời và 1 HTX gắn với Công ty Vinacam (HTX nông nghiệp Vinacam Tri Tôn).

Để tạo đột phá mới cho nông nghiệp An Giang trong năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế HTX nông nghiệp, quyết tâm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tái cơ cấu nông nghiệp theo ngành hàng, đẩy mạnh NNƯDCNC, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh lực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường...

Thời gian tới, tỉnh sẽ lồng ghép việc thực hiện khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 với Nghị quyết số 09-NQ/TU nhằm định hướng phát triển nông nghiệp thông minh, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

NGÔ CHUẨN