Đột quỵ - "kẻ giết người thầm lặng"

21/03/2019 - 07:38

 - Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây mất năng lực hành vi của con người và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong, sau bệnh tim. Tại An Giang, bệnh nhân bị đột quỵ hàng năm lên đến hơn 4.500 trường hợp, 2.000 người tử vong, trong đó tỷ lệ tử vong trong 24-48 giờ đầu lên đến gần 50%, còn lại bệnh nhân bị di chứng nặng nề, làm hạn chế khả năng vận động, chất lượng cuộc sống, gánh nặng cho người thân.

BS.CKII Trịnh Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế cảnh báo: “Theo thống kê, các yếu tố kinh tế - xã hội đã và đang tác động đáng kể đến tình trạng gia tăng đột quỵ. 85% đột quỵ là nhồi máu não, nghiêm trọng hơn là độ tuổi đột quỵ đang dần trẻ hóa, từ 40-45 tuổi (trước đây 50-60 tuổi) và hầu hết các cas đột quỵ đến bệnh viện rất trễ”.

Tỷ lệ tử vong và di chứng để lại sau đột quỵ phần nhiều do phát hiện trễ, tiếp cận cấp cứu chậm và không hiệu quả vì đã qua “thời gian vàng” để có cơ hội cứu sống tế bào não. Khung “giờ vàng” để cứu bệnh nhân đột quỵ là khoảng 3 - 4,5 giờ đầu từ lúc xuất hiện dấu hiệu đột quỵ. Khoảng thời gian này nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời và được điều trị với phác đồ tiên tiến thì khả năng phục hồi rất cao. Ngược lại, nếu không được cấp cứu trong “giờ vàng”, cơ hội sống trở nên mong manh; nếu qua được nguy kịch, người bệnh có thể sẽ phải chịu nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn tâm thần...

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hoặc để lại di chứng nặng nề

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có 2 dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, trong đó bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não chiếm tỷ lệ cao. Đột quỵ có thể gây chết người nhanh chóng, nhưng nhiều khi để lại tàn phế là một gánh nặng cho gia đình, xảy ra đa phần do sự hiểu biết không đầy đủ về căn bệnh này và một khi đã xảy ra, việc điều trị sẽ cực kỳ tốn kém. Mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể về phương diện chẩn đoán, điều trị nội khoa hay ngoại khoa, nhưng tỷ lệ tử vong do đột quỵ vẫn còn khá cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nơi.

BS.CKII Trịnh Hữu Thọ cho biết: “Các yếu tố nguy cơ dự phòng được là: tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, rung nhĩ, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì, không vận động, uống rượu quá nhiều, stress. 5 dấu hiệu báo động đột quỵ: yếu người, nói khó, rối loạn thị giác, đau đầu, chóng mặt”.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao nhằm đưa các tiến bộ khoa học vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân. An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về số xe chuyển bệnh nhân từ thiện với 170 chiếc, là chỗ dựa cho nhiều gia đình bệnh nhân chẳng may mắc bệnh không có phương tiện và khả năng chuyên chở đến bệnh viện. Tuy nhiên, số xe này hoạt động chưa hết năng lực và hiệu quả. Hơn nữa, tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã thành lập Đơn vị điều trị đột quỵ từ năm 2017, điều trị thành công nhiều trường hợp, mang lại sự sống khỏe mạnh cho nhiều người.

BS. CKII Trịnh Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế triển khai đề án thí điểm mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng

Từ thực tế đó, Sở Y tế xây dựng đề án thí điểm mô hình “Mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng”, thực hiện tại TP. Long Xuyên và các huyện: Châu Thành, Chợ Mới và Thoại Sơn, với tổng số hơn 1,089 triệu dân; số người bị đột quỵ hàng năm lên đến 2.400 người. Mục tiêu là tăng cường nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về các yếu tố nguy cơ và phòng, chống đột quỵ; tăng tỷ lệ phát hiện sớm, chuyển viện kịp thời, giảm tử vong và di chứng do đột quỵ. Tỉnh sẽ tổ chức truyền thông phòng, chống đột quỵ trong cộng đồng; huấn luyện nhân viên y tế cộng đồng, Trạm Y tế xã, nhân viên chuyển bệnh từ thiện về xử trí ban đầu những cas đột quỵ và chuyển viện kịp thời. Thành lập các đội và đơn vị đột quỵ tại các bệnh viện; huấn luyện điều trị hỗ trợ cấp cứu ban đầu, thành lập đơn vị can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Tim mạch An Giang...

Theo BS Thọ, việc thành lập mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoại viện là cần thiết của mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm kết nối người bệnh với cơ sơ y tế, tận dụng hệ thống xe chuyển bệnh cấp cứu từ thiện. Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu bức thiết cấp cứu đột quỵ hiện nay. Đề án nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu đột quỵ trước viện, tiền đề để triển khai mạng lưới cấp cứu tai nạn giao thông và cấp cứu khác dựa vào cộng đồng sau này.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích