Du lịch ẩm thực

04/11/2022 - 08:04

Vốn là di sản được hình thành trong dòng chảy ngàn năm văn hiến, ẩm thực không đơn thuần là món ăn hay thức uống, mà chứa đựng văn hóa, câu chuyện lịch sử về vùng đất, con người. Trong du lịch (DL), ẩm thực không chỉ là hoạt động đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách trong mỗi chuyến đi mà còn trở thành mục đích, loại hình và sản phẩm DL hấp dẫn du khách.

“Thủ phủ” mắm Châu Đốc

Là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, ẩm thực An Giang rất đa dạng và phong phú. Nét thú vị là đến An Giang vào bất kỳ mùa nào trong năm, du khách cũng được thưởng thức những món ăn rất riêng, độc đáo của vùng Bảy Núi. Món mắm được chế biến thành nhiều món ngon và có thể thưởng thức quanh năm. Đến làng Chăm, du khách sẽ có dịp thưởng thức món cơm bò, hay món tung lò mò trứ danh và những món bánh dân gian.

Qua miệt Thất Sơn sẽ được nếm thử món bánh canh Vĩnh Trung; đến huyện Tịnh Biên, Tri Tôn được ăn cháo bò, lẩu bò, bò nướng, uống nước thốt nốt... Tới TP. Châu Đốc sẽ được ăn tô bún cá đậm vị đặc trưng. Về TP. Long Xuyên sẽ được thưởng thức món cơm tấm, bún nước suông… Nhưng thi vị và hấp dẫn nhất có lẽ vào mùa nước nổi với nhiều món ăn dân dã nhưng khó quên.

Nhiều du khách đến An Giang, không chỉ để thưởng lãm cảnh sắc tươi đẹp của núi non, hành hương đến các đền, chùa… mà còn muốn trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực. Nói đến ẩm thực An Giang, trước hết phải nói tới đặc sản bật nhất là mắm. TP. Châu Đốc được mệnh danh là “vương quốc” mắm, với nhiều loại mắm ngon từ cá nước ngọt, như: Mắm cá lóc, cá sặc, cá linh, mắm thái… Mắm có thể chế biến thành nhiều món ngon, nhưng hấp dẫn nhất là lẩu mắm, ăn kèm với bún (hoặc cơm trắng) và rất nhiều loại thủy sản, rau đồng.

Thế nên, nhiều người ví von lẩu mắm là “tổng hòa của các loại đặc sản An Giang”, ăn 1 lần mà dư vị khó phai! Châu Đốc được mệnh danh là “thủ phủ” của mắm, vừa qua đã tổ chức thành công Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 nhằm quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của 4 dân tộc: Kinh - Khmer - Chăm - Hoa sinh sống tại An Giang, đồng thời giới thiệu, khẳng định thương hiệu đặc biệt “mắm Châu Đốc” của vùng sông nước miền Tây đến với du khách trong và ngoài nước…

Bún cá cũng được xem là món ăn đặc sản hấp dẫn tại An Giang, chỉ cần nếm 1 lần là khó quên. Hương vị đậm đà của nước lèo, phần thịt cá tươi ngon, nóng hổi càng tăng thêm phần thi vị của món ăn. Để làm ra món bún cá độc đáo này, người ta sử dụng thịt cá lóc. Cá được sơ chế kỹ, nấu chín, lọc xương và xào cùng sả, nghệ. Trước khi ăn cho rau kèm vào, tô bún mang một màu vàng óng ánh từ nước dùng và thơm phức mùi ngải bún quyện với sả, nghệ, mắm ruốc (hoặc mắm bò hóc)… Bún cá thường được ăn kèm với thịt cá lóc, chấm nước mắm me, rau nhút, bắp chuối, rau muống bào và bông điên điển - đặc trưng của miền Tây sông nước.

“Tung lò mò” là tên gọi của món lạp xưởng bò - đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang. Đây là món ăn truyền thống của người Chăm, được làm từ thịt bò và ruột bò; có vị chua và dai dai, có vị ngọt pha lẫn vị béo của mỡ bò. “Tung lò mò” ăn ngon nhất khi nướng trên bếp than hồng, ăn cùng với rau răm, tương ớt… Cháo bò Tri Tôn cũng là món đặc sản, thơm ngon, đậm đà, khác biệt với tô cháo ở vùng đồng bằng. Đây là món cháo nổi tiếng và đặc trưng của vùng Bảy Núi. Cháo bò được ăn kèm với giá đỗ, rau quế, ngò gai, đặc biệt là trái chúc…

Vào mùa nước nổi, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn của vùng đất An Giang. Nói đến mùa nước nổi, ai cũng nghĩ ngay đến cá linh. Từ thượng nguồn sông Mekong, loài cá này theo dòng phù sa xuôi về miền Tây như món quà hào sảng của thiên nhiên ban tặng. Không chỉ là món quà “mưu sinh” cho ngư dân vùng lũ, cá linh còn mang đến rất nhiều món ăn hấp dẫn, đặc trưng của mùa nước nổi.

Đầu mùa nước nổi (khoảng tháng 6-7 âm lịch), cá linh nhỏ hơn đầu đũa, nên được gọi là cá linh non. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cá linh non đầu mùa kho với nước dừa, kho mắm, nhúng lẩu, chiên bột… ngon tuyệt hảo. Khi cá lớn cỡ ngón tay, người ta có thể kho mía, kho lạt với trái bứa (loại trái dân dã của vùng lũ), nấu canh chua với bông súng đồng và bông điên điển… Rất nhiều tour, tuyến DL trải nghiệm mùa nước nổi được kết nối và du khách rất thích thú khi trải nghiệm trên đồng lũ, được giăng câu, thả lưới… và chế biến những món ăn đậm vị đồng bằng. Ăn cá linh ngon nhất là ở giữa những căn chòi lá trên đồng nước lũ, nghe gió thổi vi vu, ngân nga mấy câu vọng cổ thì thật hào sảng và đúng chất miền Tây!

Theo nhiều chuyên gia, việc kết hợp ẩm thực và DL sẽ tạo cơ hội lớn cho việc phát triển và quảng bá DL. Du khách không chỉ mong muốn có được chuyến DL trải nghiệm thú vị mà việc thưởng thức những món ăn hấp dẫn, ẩm thực đặc trưng còn để lại dấu ấn khó phai. Hình ảnh những món ăn với nhiều màu sắc được trang trí một cách nghệ thuật, bắt mắt sẽ mang đến cho du khách những cảm giác và trải nghiệm khó quên, thôi thúc những người chưa từng nếm thử món ăn hoặc chưa từng đến An Giang sẽ đến tham quan, khám phá và thưởng thức những món ăn ngon, chất lượng, với cung cách phục vụ mộc mạc, chu đáo, mến khách.

Theo các chuyên gia DL, ngành DL An Giang cần xây dựng nhiều sản phẩm DL ẩm thực gắn với các điểm đến, nhằm tạo ra các trải nghiệm khó quên cho du khách, như: Tổ chức các tour DL ẩm thực, DL homestay, kết hợp các chương trình DL nông nghiệp, nông thôn với khám phá đặc sản ẩm thực địa phương, xây dựng các khu ẩm thực đường phố hoặc chợ ẩm thực đêm tại các điểm đến DL… nhằm làm phong phú sản phẩm DL và thu hút du khách. 

HỮU HUYNH