Đứa cháu ngỗ nghịch

06/03/2023 - 05:56

 - Sau khi không mượn được tiền của bà Lê Thị Hơn (sinh năm 1965, thím dâu), Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1985, ngụ xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) đem lòng oán trách. Trong lúc dự đám tiệc, gặp lại bà Hơn, Vinh cư xử thiếu chuẩn mực và có hành vi côn đồ...

Một mình ở quê nhà, dù có lao động làm thuê nhưng Vinh không tích lũy được tiền để chi tiêu, mà vẫn thường xuyên mượn tiền người quen, trong đó có bà Hơn. Biết tính tình cháu, nên bà Hơn không cho mượn. Vinh ghi nhớ nỗi bực tức dai dẳng này, cho đến khi gặp lại bà. Khoảng 11 giờ, ngày 28/2/2022, bà Hơn đến nhà người quen dự đám giỗ thì gặp Vinh. Nhớ chuyện cũ, khi mượn tiền mà thím dâu không đồng ý, sẵn có hơi men trong người, Vinh lớn tiếng chửi: “Tụi bây là đồ đạo đức giả”. Nghe cháu nói vậy, bà Hơn liền quay lại hỏi: “Nhà tao có làm gì đâu mà đạo đức giả?”.

Thay vì trả lời, Vinh cầm ly thủy tinh (dùng để uống bia) trên bàn, đánh vào đầu bà Hơn, lực mạnh đến mức làm bể ly. Không dừng lại, Vinh tiếp tục dùng tay đấm vào trán thím dâu. Bà Hơn không kịp phản ứng, té xuống đất. Thấy vậy, mọi người xung quanh đến can Vinh ra. Bà Hơn được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn nhập viện, điều trị. Quá ức lòng về đứa cháu ngỗ nghịch, bà gọi điện thoại đến Công an xã Định Thành tố giác tội phạm. Biết bị công an tìm, chiều cùng ngày, Vinh bỏ trốn khỏi địa phương.

Bị cáo Vinh được Hội đồng xét xử cho phép quay sang xin lỗi bị hại

Sau khi nằm viện, đến ngày 2/3/2022, bà Hơn ra viện với tỷ lệ thương tật 2%. Nghe tin Vinh bỏ trốn, ngày 9/3/2022, bà có đơn yêu cầu xử lý hình sự. Tiếp nhận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thoại Sơn tiến hành điều tra, hoàn tất các thủ tục, ngày 11/5/2022 ra quyết định khởi tố bị can để điều tra và ra quyết định truy nã đối với Vinh.

Sau thời gian bỏ trốn đến tỉnh Bình Dương làm thuê, biết không thể thoát tội, ngày 3/11/2022, Vinh đến Công an xã Định Thành đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội và bị tạm giam. Kết thúc quá trình điều tra, nhằm mục đích giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung loại tội phạm này trong xã hội, Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn đưa Vinh ra xét xử sơ thẩm công khai. Tại phiên thẩm vấn, bị cáo Vinh thừa nhận hành vi sai trái của mình đối với bị hại Hơn. Bị cáo cho rằng, trước đó cần tiền tiêu xài nên mượn tiền, nhưng bị thím từ chối. Khi uống bia say, gặp thím dâu đi ngang thì chợt nhớ lại chuyện cũ. Bị cáo muốn hả giận, liền nảy sinh những lời nói không đúng với thím, rồi tiếp tục dùng ly bia đánh vào, đầu gây thương tích cho nạn nhân. “Bị cáo biết việc làm của mình sai rồi, mong được tòa án xem xét giảm một phần hình phạt để về chăm lo vợ con. Bị cáo nhớ vợ con, vì từ khi vợ con bỏ đi bị cáo chỉ sống có mình…” - bị cáo Vinh than thở.

Hội đồng xét xử giáo dục bị cáo cần biết kiềm chế hành vi của bản thân, tránh nóng giận dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ là mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đem lòng tức giận vô cớ. Đáng nói hơn, bị hại chính là người thân trong gia đình, nhưng bị cáo hành xử một cách thiếu đạo đức. Do đó, cần phải có mức án phù hợp, để bị cáo có thời gian sửa chữa bản thân. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị hại Hơn mở lời để giúp bị cáo Vinh được giảm nhẹ một phần hình phạt. Được nói lời sau cùng, trước khi nhận mức án phạt, bị cáo Vinh quay sang cúi đầu xin lỗi bị hại vì đã có hành vi sai trái.

Kết thúc phiên xử, Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn tuyên phạt bị cáo Vinh 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điểm a (bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm), Điểm i (có tính chất côn đồ) Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Dù mức án phạt chỉ vài tháng tù, nhưng là bài học sâu sắc dành cho Vinh. Qua đó, giáo dục mỗi người trong cuộc sống xã hội cần có cách cư xử phù hợp, đúng chuẩn mực, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc, mất đi tình nghĩa gia đình, để lại nhiều hệ lụy không đáng.

NGUYỄN HƯNG