Nâng chất “Cà phê khuyến nông”
Mô hình “Cà phê khuyến nông” từng được coi là điểm nhấn sáng tạo của An Giang. Mô hình là điểm hẹn lý tưởng của những ND có tâm huyết, đam mê phát triển NN, là nơi gắn kết, chia sẻ giữa các ND với nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật NN. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, do nội dung không được, đổi mới nên mô hình ít được quan tâm.
Mới đây, khi ban hành quyết định phê duyệt Dự án “Truyền thông công tác khuyến nông phục vụ NNƯDCNC tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2022”, UBND tỉnh đã đưa việc xây dựng mô hình “Cà phê KN” là một trong những nội dung chính của dự án. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là mô hình “phải phù hợp cho việc chuyển giao nhẹ nhàng, kịp thời các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chủ trương chính sách pháp luật. Có thể kết hợp để tổ chức các hội thảo chuyên đề, gặp gỡ ND ở quy mô vừa và nhỏ, với các chuyên đề như: sản xuất mùa vụ, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyện mùa màng, gặp gỡ “4 nhà”… Kết hợp phổ biến thông tin và thu nhận thông tin phản hồi từ ND”.
UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Khuyến nông (TTKN) nắm tình hình hoạt động các quán “Cà phê KN” đã được thí điểm thực hiện trước đây. Trong năm đầu tiên, tỉnh dự kiến xây dựng mỗi huyện 1 quán “Cà phê KN” điển hình làm nòng cốt.
Sau đó, đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh để có mô hình quán “Cà phê KN” đáp ứng yêu cầu phục vụ KN. Số lượng quán “Cà phê KN” sau 5 năm triển khai dự án có thể đạt 55 quán, tùy tình hình hoạt động tốt của từng huyện mà bố trí số lượng quán phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao.
Trước mắt, mỗi quán sẽ trang bị bảng hiệu quán (theo mẫu thiết kế chung), kệ sách, hộp thư góp ý, bảng quy chế hoạt động và bổ sung các nội dung khác có liên quan, phù hợp để quán “Cà phê KN” đáp ứng yêu cầu…
Chú trọng hiệu quả, hạn chế hình thức
Trong quá trình hoạt động, quán “Cà phê KN” sẽ kết hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, mạng lưới ND sản xuất giỏi tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo theo chuyên đề thích hợp với mùa vụ sản xuất tại địa phương. Các quán phải xây dựng quy chế hoạt động và có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện thường xuyên. Mỗi quán “Cà phê KN” có 1 cán bộ KN theo dõi, đánh giá và báo cáo theo định kỳ.
Nhằm thu hút nhiều ND tham gia, tỉnh sẽ phát hành và cung cấp miễn phí sách, báo, ấn phẩm KN, băng đĩa, tài liệu bướm, áp-phích, bản tin giá cả thị trường cho các quán “Cà phê KN”.
Thông tin cung cấp mang tính định kỳ và thường xuyên với các loại báo: An Giang, Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Tuổi trẻ, Khoa học phổ thông... Riêng bản tin giá cả thị trường sẽ do TTKN An Giang cập nhật hàng ngày và được chuyển tải nhanh đến các quán “Cà phê KN”.
Để phát huy thực chất hiệu quả hoạt động, UBND tỉnh quy định các tiêu chí rất cụ thể đối với quán “Cà phê KN”. Theo đó, quán được chọn phải có địa điểm kinh doanh sẵn, được chính quyền địa phương chấp thuận điều kiện kinh doanh, hình thức kinh doanh của quán chỉ đơn thuần phục vụ giải khát.
Quán có vị trí thuận tiện cho việc đi lại của khách hàng, khuôn viên quán có diện tích tương đối rộng, đủ để tổ chức một cuộc hội thảo với quy mô tối thiểu 30 người. Lượng khách hàng đến quán mỗi ngày phải đạt tối thiểu từ 50 người trở lên, trong đó thành phần ND chiếm hơn 70%.
Cùng với tăng cường phối hợp các cơ quan báo, đài, hệ thống truyền thanh để đẩy mạnh tuyên truyền công tác KN phục vụ NNƯDCNC, TTKN An Giang được yêu cầu liên kết với các viện, trường, trung tâm, doanh nghiệp tăng cường sức mạnh của mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để tư vấn và phổ biến thông tin đến ND.
TTKN được giao biên tập, phát hành Bản tin KN và Thị trường (gồm 12 trang, trong đó 4 trang bìa in màu), phát hành mỗi tuần 1 số, với số lượng 300 cuốn đến các quán “Cà phê KN”, hợp tác xã NN, đài truyền thanh, các tỉnh, thành, cơ quan Trung ương.
Bản tin phải cập nhật thông tin mới, phong phú về thể loại, tác phẩm đạt chất lượng, phản ánh được hoạt động ngành NN, thu hút nhiều cộng tác viên tham gia. Đối với thông tin giá cả nông sản, phải phản ánh kịp thời theo thời điểm, mang tính chính xác, được tin cậy…
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN