Hiệu quả lâu dài
Ở ấp Hòa Phú (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn), chàng trai trẻ Hồ Thanh Nam được biết đến là một thanh niên khởi nghiệp khá thành công. Từ nguồn nguyên liệu trái mãng cầu xiêm, sản phẩm trà mãng cầu của Nam đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020), có thị trường tiêu thụ rộng rãi.
Nam cũng là người rất đam mê với công nghệ tiến bộ khi đầu tư 200 triệu đồng, đối ứng với nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh để xây dựng hệ thống sấy năng lượng mặt trời, đạt công suất sấy 200-300kg nguyên liệu/ngày. Dù nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng so với tiết kiệm tiền điện khi vận hành hệ thống sấy điện, chỉ sau vài năm đã có thể thu hồi vốn, lại có thể sử dụng lâu dài. Bên cạnh sấy mãng cầu, hệ thống còn sấy được cóc dẻo và một số loại nông sản khác. “Hệ thống sấy năng lượng mặt trời cùng với những sản phẩm, như: máy rang trà, máy đóng hộp, đóng gói sản phẩm... giúp giảm công lao động, nâng cao chất lượng, giá trị và tính chuyên nghiệp cho sản phẩm, được người tiêu dùng ưa thích hơn” - Nam chia sẻ.
Sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời phía trên trang trại chăn nuôi
Hệ thống sấy năng lượng mặt trời của Hồ Thanh Nam là một trong 545 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2019-2020. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban Quản lý dự án giải pháp năng lượng bền vững tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, trong số 545 mô hình được hỗ trợ, có 85 mô hình được triển khai với mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/mô hình; 460 mô hình quy mô nhỏ hơn, được hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/mô hình. “Quá trình thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện thu nhập cho nông dân. Đồng thời, đóng góp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các địa phương, nhất là ở các xã lộ trình công nhận NTM, NTM nâng cao theo hướng hiệu quả và bền vững” - ông Thọ đánh giá.
Hướng đến bền vững
Trong số 545 mô hình được hỗ trợ, có 32 mô hình có ứng dụng pin năng lượng mặt trời với các quy trình, kỹ thuật tiên tiến. Ông Trương Kiến Thọ cho biết, đối với lĩnh vực trồng trọt, có 23 mô hình được thực hiện, như: ứng dụng pin năng lượng mặt trời vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước; hệ thống tưới thông minh kết hợp các thiết bị điều khiển tự động; hệ thống tưới thông minh kết hợp bón phân; ứng dụng công nghệ, thiết bị cảm biến kiểm soát các thông số môi trường; ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới tiên tiến trồng các loại rau, hoa, quả có giá trị kinh tế cao... Các mô hình giúp tiết giảm khoảng 50-60% công lao động, giảm khoảng 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh hại cây trồng, đảm bảo tăng 20-30% năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm đồng nhất. Qua đó, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, vừa giảm nguồn gây ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, có 4 mô hình được triển khai thực hiện có ứng dụng pin năng lượng mặt trời, chủ yếu trên bò, gà, heo. Các kỹ thuật, công nghệ theo hướng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao được áp dụng tại các mô hình, như: ứng dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi, nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, sử dụng con giống chất lượng, xây dựng khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp, ứng dụng biện pháp xử lý ô nhiễm… Điển hình như mô hình ứng dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú). Kết quả cho thấy, nhờ ứng dụng hệ thống làm mát kết hợp với hệ thống chuồng trại đảm bảo đã giúp giảm tối đa tỷ lệ hao hụt, tỷ lệ sống đạt 98%, kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm chi phí thuốc thú y, giảm công chăm sóc… giúp tăng lợi nhuận khoảng 31% so với nuôi theo truyền thống.
Trong lĩnh vực thủy sản, có 4 mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ cao được thực hiện, như: nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng diện tích, thiết kế hệ thống nuôi cải tiến theo hướng tuần hoàn, thiết kế ao nuôi cải tiến theo hướng sông trong ao, nuôi trong vèo có cải tiến, nuôi mật độ cao, ứng dụng các hệ thống cảm biến thông qua Internet vạn vật… mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững.
Những năm qua, Ban Quản lý dự án Giải pháp năng lượng bền vững tỉnh An Giang phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức mô hình hỗ trợ tấm pin năng lượng mặt trời cho người dân khó khăn ở vùng chưa có điện lưới, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Gần đây, tiếp tục triển khai thêm mô hình xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời, cũng thí điểm ở vùng Bảy Núi, trước mắt là các xã Châu Lăng, Ô Lâm, An Tức (huyện Tri Tôn), xã An Hảo (huyện Tịnh Biên). Đây là hướng đi mới, vừa giúp tận dụng tốt nguồn năng lượng mặt trời vô tận ở vùng có bức xạ nhiệt cao (Tri Tôn, Tịnh Biên), vừa giúp đồng bào dân tộc thiểu số Khmer khó khăn tiếp cận được năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo bền vững.
NGÔ CHUẨN