Đưa nông sản vào chậu kiểng

02/02/2021 - 04:24

 - Những năm gần đây, bên cạnh nhiều loại hoa khoe sắc vào dịp Tết, người dân đã có nhiều ý tưởng sáng tạo đưa những loại rau màu vào chậu để chưng trong những ngày đầu năm mới. Các loại rau màu xuất hiện nhiều nhất là: lúa, bắp, bắp cải, ớt, khổ qua, đu đủ… không chỉ mang ý nghĩa tốt đẹp riêng, mà qua Tết còn có thể dùng để chế biến món ăn cho gia đình.

Không giống như hoa đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công chăm bón mới ra bông đẹp, nở đúng ngay dịp Tết. Với các loại rau màu khi đưa vào “chậu kiểng” thì chăm sóc đơn giản, kèm thêm điều kiện thời tiết vụ đông xuân có nhiều thuận lợi nên được đông đảo người dân lựa chọn.

Nhìn những chậu bắp cải, bắp, lúa xanh mướt của chị Lê Thị Ánh Nguyệt (Phú Tân, An Giang), ai cũng tấm tắc khen đẹp. Đây là năm thứ 3 chị Nguyệt đưa các loại rau màu vào chậu để chăm sóc, chưng trong dịp Tết. Dù không phải là nông dân chuyên nghiệp nhưng năm nào những chậu nông sản chị Nguyệt trồng đều tươi tốt, ra trái và giữ được màu xanh trong suốt những ngày Tết.

Chị Nguyệt cho biết, mấy năm trước đi mua hoa về chưng Tết gặp nhiều nơi bày bán những chậu bắp, lúa nhìn vừa lạ, vừa đẹp. Thấy vậy, nên mấy năm nay chị Nguyệt ươm trồng cho gia đình. Những loại cây đều gửi gắm ý nghĩa tốt đẹp, như: lúa, bắp… tượng trưng cho việc làm ăn chắc chắn, lúa thóc đầy nhà; bắp cải thì cầu chúc gia đình đầm ấm…

Nhiều loại nông sản được đưa vào chậu, mang theo nhiều ý nghĩa tốt lành phục vụ nhu cầu chưng Tết của người dân

Nhà bán tạp hóa, có sẵn khoảnh sân nhỏ, chị Nguyệt mua gần 20 chậu nhựa, trộn đất, phân gà, mùn từ lá cây được ủ sẵn từ trước, rồi gieo hạt trực tiếp vào chậu. Đối với cây lúa, chị còn cho thêm nước, tạo môi trường giống như ngoài ruộng, giúp cây lúa phát triển tốt nhất. Riêng những chậu bắp cải được chị Nguyệt mua từ những xe bán cây giống được chở bán hơn 1 tháng trước. Theo chị Nguyệt, các loại rau màu đều cần được tưới nước thường xuyên, tuy nhiên vì trồng trong chậu nên khi tưới phải hết sức chú ý vì tưới ít thì, đất sẽ nhanh khô, cây bị hốc, còn tưới nhiều quá thì chậu thoát nước chậm, cây sẽ bị thúi rễ.

“Nếu muốn cây tươi tốt hơn có thể bổ sung thêm phân bò, phân gà, mấy loại rau màu này chịu phân hữu cơ, nhưng chỉ cần lượng vừa đủ là được, đừng có “quá tay” cũng không tốt” - chị Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm. Vì muốn giữ được độ xanh của các loại rau màu, chị Nguyệt trồng trễ hơn so với thời vụ của nông dân 1-2 tuần. Khi đó, những chậu rau màu khi chưng Tết vừa có trái, vừa giữ được độ xanh của lá, chăm sóc qua Tết thêm một thời gian là có thể thu hoạch, nấu được bữa cơm gia đình. Vì trồng ở xung quanh nhà nên chị Nguyệt không dùng thuốc trừ sâu, mà ngày ngày cùng chồng và con đi bắt sâu, ốc sên cắn lá, đây còn được coi là thú vui của gia đình.

Cũng giống như chị Nguyệt, đây là năm thứ 2 ông Trần Văn Tấn (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) lựa chọn trồng rau cải vào chậu thay cho bông hoa ngày Tết. Theo ông Sơn, gia đình có truyền thống sản xuất  nông nghiệp, nên vào những ngày Tết, bên cạnh những loại trái cây ở quê nhà, như: bưởi, xoài… được chưng trên mâm ngũ quả cúng gia tiên, những loại rau màu mang theo nhiều lời cầu chúc bình an, tốt lành, làm ăn phát đạt xuất hiện trước sân nhà. Ông Tấn lựa chọn bắp, lúa và một số loại cải để đưa vào chậu, được xếp ngay ngắn ở hàng rào trước sân, cây nào cũng tươi tốt, xanh mướt.

“Trong nông nghiệp, cây lúa đứng đầu nên năm nào Tết đến tôi cũng chọn 1-2 bụi lúa để chưng. Cây lúa tượng trưng cho năm mới mùa màng tốt tươi no ấm. Năm nay, mình trồng nhiều loại hơn, gần Tết lựa ra những chậu đẹp nhất để chưng, rồi cho con cháu, hàng xóm. Riêng những chậu cải thì lựa một số để thu hoạch, cùng các loại rau, củ khác đã có được mâm cơm rước ông bà thêm phần đầm ấm, ý nghĩa” - ông Nghĩa chia sẻ.

Trong cách nghĩ của nhiều người, các loại nông sản vốn gắn bó với người dân nên được lựa chọn chưng vào dịp Tết cổ truyền như một sự trân trọng những thành quả trong sản xuất và cầu mong một năm mới mùa màng bội thu. Đó cũng là lý do mà các loại nông sản, như: lúa, bắp, bắp cải, đu đủ, bầu, khổ qua, dưa hấu, cà chua, ớt… được nông dân ở một số địa phương đưa lên chậu bán Tết. Đây là những nông sản phẩm đặc trưng, quen thuộc trong đời sống của bà con nông dân, chưng trong những ngày Tết vừa đẹp mắt, vừa mang ý nghĩa tốt đẹp trong năm mới.

ÁNH NGUYÊN