Phát triển hạ tầng
Quốc lộ 91C là tuyến giao thông huyết mạch của huyện đầu nguồn An Phú. Cùng với Tỉnh lộ 957 (hoàn thành láng nhựa mặt đường với chiều dài 29,5/30,3 km), huyện An Phú đã triển khai mở rộng, nâng cấp, láng nhựa Quốc lộ 91C tạo nhiều thuận lợi cho việc lưu thông của người dân. Nếu như trước đây, mỗi khi 2 xe tải đi ngược chiều phải “nín thở” lúc giao nhau (do đường hẹp), thì nay việc qua lại dễ dàng hơn do nhiều đoạn được mở rộng thêm hơn 2m và láng nhựa bằng phẳng.
Mua, bán hàng rong trên xe đẩy là “đặc trưng” của làng Chăm ở xã Đa Phước. Cảnh mua, bán tấp nập 2 bên đường, cùng với tiếng cười nói xôn xao của người bán - người mua, càng làm cho không gian phiên chợ sáng thêm nhộn nhịp. Thỉnh thoảng có vài vị khách nước ngoài ghé qua chụp vài kiểu ảnh để lưu lại kỷ niệm với làng Chăm Đa Phước. Trên cung đường lên biên giới, những mái nhà mới xây xong, phía trước là hàng rào cây xanh được cắt tỉa ngay ngắn, điểm vài khóm hoa hoàng yến trổ rực vàng như tô điểm cho bức tranh quê thêm khởi sắc.
Long Bình là thị trấn đầu nguồn của huyện An Phú, có đường biên giới dài 2,9km tiếp giáp Campuchia. Đặc biệt, ở đây có Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình, hệ thống chợ hoạt động nhộn nhịp và cầu Long Bình - Chrey Thom đã được đưa vào khai thác… là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu của huyện An Phú. Thế mạnh của Long Bình là hoạt động thương mại - dịch vụ nên mức lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ rất đáng kể. Cùng với đó, chợ Long Bình từ nhiều năm nay hoạt động khá nhộn nhịp, với doanh số mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, đóng góp lớn vào hoạt động biên mậu của huyện An Phú (năm 2018 đạt 1 tỷ USD). Ở Long Bình, hàng hóa, nhất là nông sản, được tập kết xuất sang Campuchia và đi các tỉnh trong cả nước.
Tiếp giáp là xã Khánh An, xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện An Phú. Cây trồng chủ lực của xã Khánh An là rau màu. Tổng diện tích gieo trồng năm 2018 là 765,6ha màu, trong đó, bắp 421,5ha, rau dưa các loại 344,1ha. Năng suất bắp bình quân 10,3 tấn/ha, rau dưa 1.704,22 tấn, tổng sản lượng lương thực 6.045,67 tấn. Đời sống người dân ngày một nâng lên, đường sá được đầu tư hoàn thiện. Xã Khánh An tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan trên tuyến Quốc lộ 91C và lộ nông thôn, đồng thời thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng chất xã nông thôn mới.
Khai thác lợi thế biên giới
Cầu Long Bình - Chrey Thom nối liền biên giới Việt Nam - Campuchia chính thức đưa vào khai thác từ ngày 1-8-2017. Đường dẫn lên cầu là lát cắt nối liền giữa 2 cung đường huyết mạch từ Tỉnh lộ 957 và Quốc lộ 91C. Chở tôi trên chiếc xe gắn máy đi theo đường dẫn lên cầu trong gió chiều mát rượi, anh Vĩnh (người dân thị trấn Long Bình) vui vẻ cho biết: “Từ ngày thông xe cầu Long Bình - Chrey Thom, cuộc sống bà con ở đây khá hơn, nhờ mua, bán tạp hóa, phục vụ ăn, uống vào buổi tối. Hiện nay, bà con dựng nhiều kios 2 bên đường để mua, bán, buổi chiều ở đây rất đông vui”. Có thể thấy trong quy hoạch phát triển, huyện An Phú tập trung nhấn mạnh đến yếu tố nội lực, hướng về cơ sở, chăm lo cho địa bàn nông thôn và vùng đồng bào dân tộc.
An Phú đã và đang quy hoạch, mời gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm, như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91C, xây dựng cầu Vĩnh Lộc, Khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình (200ha), Khu đô thị Cồn Tiên (quy mô 54ha), cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp An Phú (40ha), cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Long Bình (40ha), nhà máy chế biến nông sản (quy mô 33.000 tấn/năm), nhà máy chế biến thủy sản (13.500 tấn/năm), Khu du lịch - dịch vụ sinh thái và vui chơi giải trí Cồn Tiên (14ha), Khu du lịch sinh thái búng Bình Thiên (139,2ha)… nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cùng với các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh, An Phú đã vận dụng linh hoạt nhiều chương trình, kế hoạch nhằm khai thác tốt thế mạnh, phấn đấu đến năm 2020 có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt mức khá của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết: “Huyện An Phú đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực cửa khẩu, nông nghiệp nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định trật tự, an toàn xã hội”.
Huyện An Phú có 2 cửa khẩu quốc gia là Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông, 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai với đường biên giới dài hơn 42km tiếp giáp Campuchia. Thời gian qua, việc xây dựng, củng cố các tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự được địa phương đặc biệt quan tâm. Thông qua đó, tình đoàn kết nhân dân 2 bên biên giới được tăng cường, góp phần củng cố hoạt động đối ngoại nhân dân và bảo đảm ổn định khu vực biên giới.
|
HỮU HUYNH