Fulro - Bóng ma ám ảnh Tây Nguyên: Những người vào hang sói

07/07/2023 - 14:38

Với những cái tên giả trong một tổ chức từ thiện quốc tế giả, những chiến sĩ an ninh nhân dân đã nhập vai tuyệt vời và chính họ đã góp phần lớn cho sự thành công của chuyên án Cao nguyên F101. Với sự thông minh, tài trí, táo bạo, với tinh thần bất chấp hiểm nguy, họ như những cảm tử quân trong một trận đánh quyết định. Trước sự hung hăng, tàn bạo của bọn phản động, trước những tình thế hiểm nguy, có những chiến sĩ an ninh đã hứng đạn thù thay cho đồng đội, mãi mãi không về. Khi đó họ còn rất trẻ…

FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN

Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua. Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo. Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023 vừa qua gây nên sự hy sinh của 9 cán bộ, công an và người dân, gây sự bất ổn nghiêm trọng an ninh chính trị địa phương là một minh chứng rõ nét…

Với loạt bài hồ sơ-tư liệu “Fulro-bóng ma ám ảnh Tây Nguyên”, một lần nữa, chúng tôi xin góp một góc nhìn tái hiện phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…

Đại tá Vũ Linh kể lại, hồi đó, khi biết có trận đánh lớn sắp xảy ra, Ban chuyên án đã nhận được rất nhiều đơn tình nguyện, trong đó, rất nhiều những lá đơn của các cán bộ an ninh trẻ tuổi, dù họ biết phía trước là hiểm nguy, là có thể hy sinh tính mạng của chính mình. Cuối cùng, Ban chuyên án quyết định: các đồng chí Lâm Văn Thạnh (thiếu úy, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng bảo vệ chính trị), Nguyễn Ngọc Diêu (thiếu úy), Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Duy Hưng (đều là thượng sĩ, cán bộ Phòng hậu cần), Trần Hữu Phi (thiếu úy, lái xe riêng của thượng tá Vũ Linh) và đồng chí Nguyễn Văn Cho (trinh sát an ninh của Bộ Nội vụ tăng cường) vào trận. Các “cảm tử quân” được huấn luyện kỹ càng, nhập vai một cách thuần thục trước khi vào cuộc đấu sinh tử.

Nhập vai Ba Bình - một thành viên của “Tổ chức từ thiện Caritas”, lúc đó Lâm Văn Thạnh mới ngoài tuổi 20, lúc anh tham gia “nhân vật chính” trong chuyên án này, chị Nga vợ anh, vừa mới mang thai cháu Quỳnh Hương 6 tháng. Ngã xuống giữa một cánh rừng Lâm Đồng, người sĩ quan an ninh quả cảm ấy không bao giờ nhìn thấy gương mặt đứa con gái thân thương của mình. Khoảng 22 giờ, ngày 4/8/1980, Phó ban chuyên án Vũ Linh bí mật triệu tập thiếu úy Lâm Văn Thạnh lên phòng làm việc của mình.

Ông nói: “Ban chuyên án đã quyết định dùng “chim mồi” “câu nhử’ tạo ra những cơn lốc xoáy vào tận sào huyệt, đập tan bộ máy lãnh đạo Fulro, kéo họ và binh lính ra khỏi rừng, đưa họ trở về với buôn làng. Để chuyên án thành công, ta tạm thời đóng giả tổ chức từ thiện Caritas; ta phải tỏ ra là tổ chức này có sẵn tiền, có đủ mọi phương tiện và điều kiện để “câu nhử” dưới hình thức đưa chúng ra nước ngoài, nhằm bắt sống những tên lãnh đạo cao nhất của “Trung ương Fulro”. Để làm được việc này, Ban chuyên án quyết định chọn Thạnh đóng vai Ba Bình là “phái viên đặc biệt” của Caritas…”

Lâm Văn Thạnh đã nhận lệnh của Phó ban chuyên án trong một tâm trạng đầy hứng khởi, tự tin với lời hứa trước cấp trên: Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù phải hy sinh tính mạng!

Thiếu úy Lâm Văn Thạnh là một trinh sát an ninh đa tài. Anh vào vai Nguyễn Văn Bình (Ba Bình), đại diện của “Tổ chức từ thiện Caritas” và nhập vai khá “ngọt”. Trong chuyến công tác đặc biệt đầu tiên, chỉ có anh và thiếu úy Nguyễn Duy Hưng trong vai lái xe, đến “điểm hẹn” đón “chuyến hàng”, chuyến hàng quan trọng nhất vào ngày 13/8/1980. Trên “chuyến hàng” ấy có “Đệ nhất Phó thủ tướng” Nahria Ya Duck và 9 nhân vật “cỡ bự” khác của Fulro. Sau này, anh Hưng kể lại, khi đó, bản thân anh thấy hãnh diện và có phần hơi run, khi trước mặt mình là 60 tên Fulro hộ tống Ya Duck và các “sĩ quan” chỉ huy rất hung hãn, lăm lăm súng ống. Nhưng Lâm Văn Thạnh thì rất bình thản, tự tin.

Trước đó, để chuyến xe đón ông Ya Đuk “trở về” thành công, Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Duy Hưng, và cả Ban chuyên án đã qua nhiều phen “hú vía”. Trong đó có một tình huống bất ngờ là chớm sáng ngày 13/8/1980, theo chỉ đạo của Ban chuyên án, anh “Bình” làm việc với nhóm “sĩ quan cận vệ” của ông Ya Đuk và được họ cho cái hẹn đúng 4 giờ sáng tới địa điểm đón người. Ban chuyên án đã bố trí lực lượng và Thạnh cùng Hưng có mặt đúng hẹn. Bất ngờ, từ trong những bụi cây rậm rạp cạnh con đường mòn chỗ xe anh Hưng đậu, xuất hiện sáu tên Fulro dữ dằn. Bọn chúng lao vào dùng báng súng, khúc cây và đá đánh hai anh một trận phủ đầu, hỏi các anh có phải là người của công an không?

Tất nhiên, Thạnh vẫn không để lộ mình giỏi võ thuật mà phải giải thích với chúng, các anh là thành viên của “Hội Caritas” và đang giúp mở ra cho họ con đường tươi sáng. Chuyện bị tấn công này, Ba Bình đã nói lại với Ya Đuk trước lúc lên đường. Ya Đuk tỏ ra bối rối và nghiêm sắc mặt cảnh cáo sáu tên Fulro manh động!...

Chuyên án F101, như đã nói, có tám chuyến đi “đón lõng” Fulro như thế. Mỗi chuyến đi là mỗi chuyến cam go, nguy hiểm, thử thách bản lĩnh can trường và tài trí của các chiến sĩ an ninh nhân dân. Mỗi lần chuẩn bị cho một chuyến công tác đặc biệt này, những trinh sát của chúng ta nhìn đồng chí, đồng đội và người thân như là lần gặp cuối cùng. Trong chuyên án ấy, có rất nhiều tình tiết ly kỳ và rất nhiều câu chuyện. Trong dung lượng hạn hẹp, chúng tôi xin kể lại sự hy sinh dũng cảm của hai sĩ quan công an trong số “những người vào hang sói”.   

Đoàn xe đón thi hài các liệt sĩ trở về.

Quá trình phát triển của chuyên án rất nhanh, nhưng “Trung ương Fulro” nhánh Ê Đê do Paul Yưh cầm đầu đã phát hiện nhóm Nahria Ya Duck tìm đường trốn ra nước ngoài. Bọn sĩ quan Fulro đã bắt những tên ta thả về rừng nhằm “câu nhử” để tra tấn, khai thác và chúng đã hình dung dần mọi chuyện. Ngày 10/12/1980, anh Ba Bình (Lâm Văn Thạnh) đến liên lạc với “trung úy” Sa Mol ở khu vực chân núi Voi, thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, chuẩn bị thực hiện chuyến thứ bảy. Sa Mol dẫn Bình đến gặp một tên Fulro xưng là “thiếu tá”. Vừa thấy anh “Bình”, tên “thiếu tá” này vội đứng dậy khỏi tảng đá hắn ngồi rồi ra lệnh cho bốn tên lính vây quanh anh. Hắn giữ một khoảng cách với anh, cười xã giao rồi đưa cho một tên lính khác bản danh sách 19 tên Fulro xin đi trong chuyến tới, ra hiệu đưa cho anh Thạnh. Danh sách này gồm bốn Fulro cao cấp là các “trung tá” Lơ Mu Chông, Cil Be, Ênuôl M”Bột và “thiếu tá” Tou Néh Đen - “tỉnh trưởng Phan Rang” cùng một số Fulro cấp “úy”. Lâm Văn Thạnh và đồng đội không ngờ, các anh đã rơi vào một cái bẫy do chúng cài sẵn…

Đúng hẹn, 4 giờ 30 phút ngày 23/12/1980, Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón toán Fulro. Đến điểm hẹn, nhận ra ám hiệu, các anh nhá đèn pha ba lần theo quy ước. Từ bụi cây ven đường, hai tên Fulro bước ra và nói các anh chạy xe vào 50m, rồi thêm 50m nữa. Xe vừa vào sâu trong rừng, bất ngờ, 20 tên Fulro lao vào khống chế, bẻ quặt tay các anh ra phía sau rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn giận dữ. Chúng lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ. Sợi dây trói không đủ chặt, chúng bứt cây mắc cỡ quấn thêm mấy vòng trói các anh. Cảm giác đau buốt ban đầu nhanh chóng biến mất mà thay vào là những suy nghĩ, băn khoăn: Liệu đây có phải là cái trò đánh phủ đầu của bọn Fulro như thỉnh thoảng chúng vẫn làm để buộc các anh sợ hãi mà khai ra, các anh chính là công an đi bắt chúng! Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “kế hoạch phượng hoàng”...

Biết là bị lộ, ngay tức khắc, Nguyễn Ngọc Diêu đánh ngã một lúc ba tên rồi bỏ chạy, nhưng chúng đã bắn chết anh tại chỗ. Còn Lâm Văn Thạnh, Trần Hữu Phi và Nguyễn Văn Cho. Trên đường áp giải, chúng tiếp tục tra tấn, hành hạ các anh hết sức dã man nhưng cả ba cắn răng chịu đựng. Thạnh ra hiệu cho Phi và Cho, thừa lúc bọn Fulro sơ hở, anh sẽ tự cởi trói, nhảy vào tấn công bọn chúng để tạo thời cơ cho đồng đội chạy thoát. Đến 8 giờ sáng thì bọn Fulro dừng lại và mang cả ba người đến bên một bờ vực chuẩn bị xử bắn. Lợi dụng lúc chúng lên đạn, Thạnh đưa mắt ra hiệu, Cho và Phi nhảy xuống vực chạy thoát. Một mình Thạnh tả xung hữu đột tấn công giữ chân địch, và cuối cùng, người chiến sĩ an ninh quả cảm ấy đã ngã xuống giữa cánh rừng Lâm Đồng.

Sự hy sinh anh dũng của Lâm Văn Thạnh đã được Nhà nước ghi nhận với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ tháng 12/1982. Hơn 30 mùa xuân đã qua, nhưng trên ngôi mộ của anh giữa nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Lạt lúc nào cũng thắm sắc hoa tươi. Người thân, đồng chí, đồng đội của anh luôn tưởng nhớ về người sĩ quan an ninh Lâm Đồng mưu trí, dũng cảm đã ngã xuống khi tuổi đời hãy còn rất trẻ.

Đại tá Vũ Linh trầm ngâm: “Đã chứng kiến biết bao nhiêu đồng đội ngã xuống, nhưng có lẽ đó là lần duy nhất trong đời tôi đã không cầm được nước mắt. Họ là người lính, là người lính thì chấp nhận hy sinh mạng sống vì Tổ quốc. Nhưng lúc đó, tuổi đời của họ hãy còn quá trẻ. Và, một điều đau lòng nữa, Trịnh Thị Nhi - vợ của Nguyễn Ngọc Diêu và Trịnh Thị Nga - vợ của Lâm Văn Thạnh đều đang mang những giọt máu của các liệt sĩ trong mình…”. Điều trùng hợp ngẫu nhiên, 31 năm sau, con gái của anh Diêu là Nguyễn Trịnh Hồng Nhung, và con gái của anh Thạnh là Lâm Quỳnh Hương, hiện là hai trung úy trẻ của lực lượng công an Lâm Đồng…

Với chuyên án mang mật danh Cao nguyên F101 mà Lâm Văn Thạnh và các đồng chí, đồng đội của anh tham gia, công an Lâm Đồng đã “câu nhử” bắt giữ đại bộ phận bọn cầm đầu Fulro, làm cho nội bộ của chúng tan rã, tạo điều kiện cho ta phát động quần chúng, tấn công chính trị, gọi về hàng hơn 2.000 tên. Kết quả đó đã tác động đến toàn vùng Tây Nguyên, gọi về hàng đến 4.000 tên, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề Fulro theo tinh thần Chỉ thị 04 của Ban Bí thư TW Đảng, đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng các dân tộc anh em trên khắp các buôn làng Tây Nguyên.

Theo Nhân Dân