Gần 20 năm cất nhà Tình thương!

10/07/2019 - 07:34

 - Ông Đỗ Văn Thắng (tên thường gọi Tư Ngon, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), là Tổ trưởng Tổ cất nhà Tình thương, Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên) gắn bó công việc cất nhà từ thiện gần 20 năm. Ở tuổi 64, dù nắng hay mưa, mỗi khi có người cần mái ấm lành lặn để an cư, chú Tư Ngon sẵn sàng gác lại việc riêng, chung tay cùng anh em dựng nên ngôi nhà khang trang, vững chãi cho bà con.

Gần 20 năm cất nhà Tình thương!

Chú Tư Ngon không ngại nắng mưa, gắn bó với việc cất nhà Tình thương

Hôm chúng tôi hẹn gặp mặt là ngày chú Tư “nhận thầu” cất nhà Tình thương cho người nghèo trong xóm. Chú Tư Ngon cho biết, nếu không ngại nắng gió, bụi bặm thì đến gặp, nếu không thì khi nào cất xong nhà sẽ gặp. Chợt nghĩ, người cao tuổi như chú không ngại khó, chúng tôi đâu có lý do gì để không đi đến nơi mình cần đến. Quả thật, nắng bụi chẳng thể nào làm khó được người đã có gần 20 năm gắn bó với việc cất nhà Tình thương. Giọt mồ hôi rịn trên trán và lấm tấm ở 2 bờ vai khiến chiếc áo ngã màu của chú Tư mặc càng thêm cũ kỹ, nhưng làm sáng thêm tấm lòng nhân ái và thương người của người đã quá tuổi lục tuần như chú Tư Ngon. “Cây lúc nào cũng có sẵn, chỉ cần được nhà hảo tâm hỗ trợ là chúng tôi sẽ cất được nhà cho người nghèo khó. Số lượng nhà được cất tùy vào sự hỗ trợ ít hay nhiều trong một năm hoạt động của tổ. Trung bình 1 năm, tổ cất nhà của tôi cất được 6-7 căn; nếu gia chủ biết giữ gìn thì tuổi thọ của ngôi nhà có thể lên đến 15 năm”- chú Tư Ngon cho biết.

Đầu những năm 2000, chú Tư Ngon chập chững đi cất nhà khắp nơi. Từ một người không có nhiều kinh nghiệm, trải qua gần 20 năm, chú Tư Ngon giờ đã trở thành “bác thợ” lành nghề. Đến nay, người đàn ông ấy đã cất được hơn 100 căn nhà Tình thương cho người nghèo. Những ngày đầu, Tổ cất nhà Tình thương có rất đông thành viên, nhưng vì bận mưu sinh, nhiều người không gắn bó lâu bền. Hiện, tổ cất nhà của chú Tư Ngon chỉ còn 3 thành viên, tất cả đều là người có tuổi nhưng căng tràn nhiệt huyết. Chú Tư cười hiền chia sẻ: “Mình nhờ mọi người trong xóm phụ tiếp, không có thì 3 người cũng cất xong căn nhà nhưng thời gian kéo dài hơn”. Trung bình, 1 căn nhà được dựng lên trong 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày. Khoảng thời gian đó đồng nghĩa với việc chú Tư Ngon và các thành viên phải bỏ hết chuyện gia đình, việc riêng sang một bên để chuyên tâm cất nhà. Bởi theo chú Tư, mình tranh thủ hoàn thành sớm ngày nào thì bà con đỡ vất vả, ngóng trông ngày đó.

Cái khó của Tổ cất nhà Tình thương hiện nay là nguồn cây đang cạn kiệt dần. “Hầu như những cây cất nhà đều được mua từ tiền đóng góp của nhà hảo tâm, nhưng gần đây, nguồn đóng góp ấy không được nhiều như xưa, hơn nữa, cây ở xứ này giờ không nhiều nên mỗi lần mua, chúng tôi phải vô tận miệt Ba Thê cũ (Thoại Sơn) hoặc tận Hòn Đất (Kiên Giang) mới có. Thành viên ít nhưng mỗi chuyến đi, chúng tôi cố gắng mang về số lượng cây nhiều nhất. Vậy nên, mỗi lần đi mua cây, chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian. Nhiều vườn cây ở tận đồng sâu, muốn đưa ra ngoài là chuyện rất khó khăn, nhưng khó đến mấy, chúng tôi phải cố gắng hết sức vì nhà hảo tâm đã tin tưởng, vì bà con nghèo rất cần mái nhà lành lặn. Nhiều khi vì khiêng cây, trục vớt cây ngâm dưới sông, chúng tôi bị trầy xước, bị miểng chai đâm hoặc trợt chân té đến chảy máu. Cả tổ không ai than một lời, chỉ biết làm hết vai trò, trách nhiệm để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Tôi rất khâm phục tinh thần và tấm lòng nhân ái của anh Tư Ngon. Dù công việc khó khăn đến mấy anh vẫn không than lấy lời nào” - chú Bùi Văn Tuấn (62 tuổi, thành viên Tổ cất nhà Tình thương) trải lòng.

“Đôi lúc sức khỏe yếu, tôi từng có ý định dừng lại. Nhưng rồi ai đó đến nhà than khóc, nhờ giúp đỡ có mái nhà che mưa, tránh nắng, tôi mủi lòng chịu không được. Thế là, tôi lại gắn bó với công việc như mấy chục năm qua đã từng làm và tự nhủ, cứ tiếp tục đến khi nào không còn sức khỏe mới thôi! Tất nhiên, mỗi căn nhà khi cất, chúng tôi đều phải thông qua sự xác nhận của chính quyền địa phương để đảm bảo đúng đối tượng” - chú Tư Ngon bộc bạch.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN