Năm nay, tổng số 660.028 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 chiếm 65,9%.
Sau quá trình lọc ảo và công bố điểm chuẩn các trường đại học, tỷ lệ 92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 (tăng 7,9% so với năm 2022).
Gần 93% thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1. (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, tuy tỷ lệ này của năm 2023 thấp hơn so với các năm trước, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực chất năng lực của thí sinh.
Số sinh viên nhập học đại học chính thức năm 2022 trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 đạt 49,2%; tỷ lệ năm nay cũng dự kiến tương đương.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng thống kê số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 là 49,1% trong tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9%, và trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Trung bình một thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.
Đáng chú ý, số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện 1 chỉ 32,2%. Số thí sinh trúng tuyển thẳng theo quy chế xác nhận nhập học ngay cũng chỉ có 30,48%.
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhận định, năm nay một số trường đại học vẫn sử dụng quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Để siết chặt hơn các năm tiếp theo, Vụ Giáo dục đại học yêu cầu các trường đại học sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 - 2024; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Các trường đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, cần lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)