Chi phí cao
Từ những yếu tố đó, sau khi thu hoạch cá tra nuôi trong niên vụ sản xuất năm 2022, nhiều người nuôi cá tra bỏ hầm, treo ao. Gia đình ông Trần Văn Tám (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là một điển hình. Cuối năm 2021, nhìn thấy thế giới kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, ông Tám thả nuôi 2 ao cá tra (1ha mặt nước/ao), với hy vọng sẽ kiếm lại số tiền đã mất trong 2 năm trước do dịch bệnh kéo dài. Cuối tháng 10 vừa qua, khi giá cá tra thương phẩm ở mức cao, ông quyết định bán cá. Thời điểm thu hoạch, dù cá của ông nằm ngoài kích cỡ xuất khẩu nhưng thương lái vẫn mua giá 31.000 đồng/kg. Quyết toán đợt bán cá này, ông Tám không thu được lợi nhuận.
“Thời điểm thả cá giống vào ao, tôi phải mua với giá 47.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Tỷ lệ hao hụt trên 30%. Lúc cá vào kích cỡ xuất khẩu, giá thị trường lúc đó thấp, đành neo lại. Khi giá ở mức cao thì cá đã quá kích cỡ, không bán được hàng xuất khẩu, đành bán cá chợ” - ông Tám thông tin.
Nhiều ngư dân chuyển sang nuôi cá điêu hồng, cá rô phi để bán thị trường nội địa
Do thời gian nuôi đến 10 tháng nên định mức thức ăn cho cá lúc này không còn, cộng thêm giá thức ăn trong chu kỳ nuôi tăng liên tục. Tổng hợp tất cả chi phí cho vụ nuôi đội giá thành lên 31.000 đồng/kg. Giá thành nuôi bằng với giá bán nên ông Tám không có lợi nhuận. Ngoài yếu tố con giống, các chi phí khác để cấu thành đầu vào cũng tăng cao.
Cụ thể, đối với lương nhân công, trước đây ông trả 200.000 đồng/người/ngày, nay phải tăng lên từ 230.000 - 250.000 đồng/người/ngày (tùy vào số giờ làm, công việc nặng nhọc hay không). Thuốc thú y thủy sản và các chi phí khác đều tăng. Trong nuôi cá tra thương phẩm, chi phí cho khâu thức ăn chiếm đến 75%, còn lại là lương công nhân, tiền điện, hóa chất xử lý ao… Chi phí dành cho việc mua thức ăn chiếm tỷ lệ cao, trong khi giá thức ăn bị các công ty điều chỉnh tăng liên tục, từ đó người nuôi gặp khó.
“Kể từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh xảy ra, ngư dân phải chịu cảnh mua thức ăn với giá cao. Đối với cá thịt, loại thức ăn 28 độ đạm, giá tăng so với trước từ 3.000 - 4.000 đồng/kg (tùy theo nhãn hàng). Khi cá bệnh, ngư dân phải mua thuốc kháng sinh, như: Amox, Ampi… trị bệnh cho cá. Giá của 2 sản phẩm này là 600.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ 400.000 đồng/kg” - ông Tám phân tích.
Thị trường khó đoán
Cùng với con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngày nóng, đêm lạnh, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, cá bị bệnh nhiều, dẫn đến hao hụt tăng cao. Cá biệt có một số vùng nuôi, khi gặp thời tiết bất lợi, nước trên dòng kênh có nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ hao hụt trên 40%. Khi ấy, hộ nuôi cầm chắc thua lỗ!
Nhiều ngư dân cho rằng, thị trường hiện nay rất khó dự đoán, mặc dù giá cá thịt đang ở mức cao (29.000 - 31.000 đồng/kg). Giá cá cao nhưng nông dân vẫn “bỏ chạy”. Bà Nguyễn Thị Lan (ngư dân xã Đa Phước, huyện An Phú, người có hơn 20 năm sống với nghề nuôi cá tra) phân tích: “Cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này lúc mở, lúc đóng, khiến doanh nghiệp và ngư dân rất ái ngại. Trước thực trạng này, cần có một giải pháp mang tính căn cơ, mà ở đó quy hoạch ngành hàng có vai trò hết sức quan trọng. Quy hoạch ở đây phải tính đến diện tích thả nuôi, nhà máy chế biến, số lượng doanh nghiệp, ngư dân tham gia ngành hàng”.
Trong hơn 20 năm thăng trầm của ngành hàng cá tra, trước những biến cố bất lợi, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa ngành hàng cá tra trở thành ngành hàng sản xuất có điều kiện và khi đã đặt ra như thế, công tác quản lý cần phải được thực thi một cách nghiêm ngặt. Thà nuôi ít, số lượng hạn chế nhưng bán có giá, ai tham gia cũng có lời; còn hơn mạnh ai nấy nuôi, mạnh ai nấy bán, ai lỗ mặc ai thì ngành hàng này sẽ phát triển “khập khiễng” và thực tế trong hơn 20 năm qua đã chứng minh điều đó.
Giải quyết bài toán phát triển mang tính bền vững, người nuôi cá tra rất cần thông tin dự báo thị trường từ các tham tán thương mại các nước. Bởi, khi có dự báo được thị trường thì việc tổ chức nuôi, chế biến mới thuận lợi. Cần tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội ngành hàng để người nuôi và doanh nghiệp gắn bó với nhau. Có như vậy thì ngành hàng này mới có thể phát huy thế mạnh, trở thành sản phẩm chủ lực thực sự của tỉnh và của quốc gia.
Bên cạnh lúa gạo, rau màu, cá tra là mặt hàng chủ lực của tỉnh. Nhà nước cần có giải pháp giúp ngành hàng này sớm ổn định. Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, toàn vùng ĐBSCL có đến 5.200ha mặt nước nuôi cá tra, trong đó An Giang khoảng 1.300ha. Với diện tích nuôi lớn, mỗi năm toàn vùng có thể sản xuất trên 2 triệu tấn cá thịt. Đây là lợi thế mà không quốc gia nào có được.
|
MINH HIỂN