Giá heo hơi đang đi ngược với dự báo

28/09/2020 - 06:39

 - Mặc dù đã gần cuối tháng 9, nhưng giá heo hơi trên thị trường nội tỉnh vẫn chưa trở về như dự báo. Cụ thể, giá được thương lái xuống tận Bến Tre mua để mổ, dao động từ 78.000-82.000 đồng/kg. Mức giá này khiến những người tiêu dùng phải sử dụng thịt heo với giá cao.

"Cung ít, cầu nhiều”

Khảo sát tại các địa phương cho thấy, tổng đàn heo trên địa bàn đang ở mức thấp so với những năm trước đây. Nguyên nhân chính do đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 hoành hành làm cho heo của các hộ chăn nuôi chết, khiến tổng đàn heo bị sụt giảm. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn nguồn vốn để tái đàn, trong khi các trang trại thì thận trọng, một số chuyển sang nuôi đối tượng khác để giảm thiểu rủi ro.

“Khi có chủ trương tái đàn, những hộ dân như chúng tôi gặp nhiều khó khăn, ngoài yếu tố về vốn, nếu hộ nào muốn tái đàn buộc phải mua con giống với giá cao. Bình quân mỗi con heo giống có giá từ 450.000 - 500.000 đồng, chi phí đầu tư nhiều nhưng khi bán không biết có được giá hay không, nên ai cũng ngại”- bà Trần Thị Lan (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Thương lái mua heo từ Bến Tre đưa về An Giang mổ thịt

Bà Lan là hộ chăn nuôi heo nhiều năm. Nhờ nghề nuôi heo mà 10 năm trước, bà đã lo được cho 2 người con ăn học thành tài. Đợt dịch bệnh năm 2019, đàn heo của bà phải mang đi tiêu hủy vì nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Dịch bệnh đi qua, bà phải mượn vốn của bà con dòng họ để tái đàn, song khi nuôi được gần 3 tháng bà đành phải xuất bán. “Heo đang giai đoạn lớn nhưng buộc phải bán cho chắc ăn, bởi dịch bệnh hiện nay rất khó kiểm soát, vì vậy tôi chọn cách nuôi “lướt sóng” để đảm bảo an toàn. Bán trong lúc này giá ở mức trên 70.000 đồng/kg, đây là mức giá mà người chăn nuôi có lời” - bà Lan chia sẻ thêm.

Khảo sát tại các chợ Long Xuyên cho thấy, bình quân mỗi đêm, lượng heo về đây từ 200-300 con và đa phần là heo được mua từ các địa phương khác chở về, riêng lượng heo do bà con nông dân nuôi trong tỉnh không đáp ứng nổi nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, như vậy một câu hỏi được đặt ra là tại sao trong nhiều năm nay, mặc dù có nhiều chương trình để khuyến khích nông dân đẩy mạnh chăn nuôi nhưng lượng thịt ra chợ vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu tại chỗ của người tiêu dùng?

Cần giải pháp căn cơ

Cung ít, cầu nhiều đã làm cho giá thịt heo tại các chợ “neo” ở mức cao, điều đó rất bất lợi cho người tiêu dùng, bởi hiện nay đa phần thu nhập của người lao động đều sụt giảm. “Em làm hướng dẫn viên du lịch cho một hãng lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 4-2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các đường bay từ các quốc gia phát triển về Việt Nam tạm ngưng, khách du lịch sụt giảm mạnh nên hãng của em tạm đóng cửa, em phải quay về Long Xuyên, mong tìm việc khác để làm, vì vậy mọi sinh hoạt hàng ngày rất chật vật, giá thịt heo ở mức cao làm cho gia đình em phải tìm các món ăn khác để thay thế” - em Trần Minh Hải (phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Để đưa giá thịt heo về giá thực, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã tham mưu Chính phủ cho chủ trương nhập thịt heo từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như: Hoa Kỳ, Brazil, Thái Lan, Nga... về bán cho người tiêu dùng nội địa. Chỉ tính riêng 7 tháng của năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt heo các loại, chủ yếu từ các quốc gia như: Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Nga... tăng 223% so cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao.

Mặc dù số lượng nhập về đạt 93% kế hoạch của Chính phủ giao, nhưng giá thịt heo trong nước giảm không đáng kể, qua đây cho thấy, cung - cầu trong cung cấp thịt heo ra thị trường cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng đang lệch nhau. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt ngành chăn nuôi heo cần có giải pháp căn cơ, như: phải khống chế cho được dịch bệnh, có cơ chế hỗ trợ vốn mạnh hơn nữa để các doanh nghiệp, trang trại đẩy mạnh tái đàn, phát triển chăn nuôi.

Ở cấp độ vĩ mô, cần quản lý cho được giá thức ăn và thuốc thú y phục vụ quá trình chăn nuôi và cần đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp giết mổ với các trang trại để giá cả mang tính ổn định; tiếp tục phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng để những người tham gia trong chuỗi có nhiều thông tin hơn. Có như vậy mới mong ngành chăn nuôi heo phát triển ổn định thời gian tới.

“Cái khó của ngành chăn nuôi heo hiện nay là nhà nước kêu gọi người dân chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Nếu nuôi theo mô hình này thì phải nuôi với quy mô trang trại mới có hiệu quả, còn những hộ nuôi nhỏ lẻ phải chuyển nghề. Một vấn đề khác là chúng tôi chưa có vaccine phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi nên rủi ro cao” - bà Nguyễn Thị Nhịn (xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

 

MINH HIỂN