Hộ nuôi heo đang trông chờ giải pháp ổn định giá thức ăn chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn sau dịch bệnh COVID-19
Theo thống kê của ngành chăn nuôi, toàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) có trên 7.600 con heo. Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người dân vẫn đẩy mạnh hoạt động sản xuất để khôi phục và ổn định kinh tế hộ. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã gây ra nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn để đầu tư tái đàn, tăng đàn. Điển hình, bà Hà Thị Thu Dung (hộ nuôi heo tại xã Phú Bình) cho biết, giá thịt heo giảm trong khi chi phí chăn nuôi tăng, so với giai đoạn xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi, mức độ lỗ vốn của nông dân tương đương.
“Từ thời điểm bắt heo giống về nuôi đến lúc xuất chuồng khoảng 4-4,5 tháng, tốn chi phí nuôi khoảng 5,3 triệu đồng/con. Trong khi hiện nay, giá thành heo hơi khoảng 4,5 triệu đồng/con. Như vậy, nông dân sẽ lỗ gần 1 triệu đồng/con khi xuất bán. Chuồng nuôi của gia đình tôi có 76 con heo, một số đã xuất bán, số còn lại để không lỗ trong giai đoạn này, tôi tiết giảm thức ăn để heo chậm lớn, kéo dài thời gian chờ giá cả tiến triển tốt hơn. Bên cạnh đó, tôi giảm chi phí chăn nuôi bằng cách pha trộn thức ăn, như: hèm, cháo, rau… thay vì cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp” - bà Dung chia sẻ.
Ngụ cùng xã Phú Bình, hộ ông Đoàn Văn Cam vừa xuất bán 28 con heo, lỗ khoảng 10 triệu đồng. Tình hình chăn nuôi heo phát triển tốt nhưng giá bán thấp, thức ăn tăng quá cao nên nông hộ không có lãi. Theo ông Cam, so với giai đoạn nuôi trước đó, giá thức ăn chăn nuôi ổn định, nông dân có thể tính toán trước mức lãi, còn hiện nay thì không thể đoán. Cụ thể, giá thức ăn đậm đặc cho heo chỉ từ 270.000 đồng/bao, tăng dần lên 350.000 đồng và nay nhảy vọt lên hơn 500.000 đồng.
“Ngày trước, thức ăn giàu đạm, nuôi heo 4,5 tháng tốn khoảng 8 bao thức ăn. Bình quân 1 tháng xuất chuồng 15 con heo, lời 30 triệu đồng. Còn hiện nay, phải tốn đến 12 bao thức ăn và mất 6 tháng heo mới đạt trọng lượng để bán. Do giá cả bất thường, heo giống 2,5 triệu đồng cũng giảm theo còn 1,2 triệu đồng mà không ai mua. Người nuôi không có lời nên rất khó trong việc duy trì đàn heo. Để đạt chất lượng heo thịt, tôi vẫn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, không pha thức ăn tạp, chỉ tự nấu cháo ở nhà để trộn thêm khi cần, vì sợ ảnh hưởng sức khỏe vật nuôi” - ông Cam giãi bày.
Ông Nguyễn Văn Lệ (cán bộ thú y) kiến nghị, để bảo vệ tốt đàn vật nuôi trong khi chờ thị trường phục hồi bình ổn, người dân cần đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, chủ yếu là kết hợp xây dựng hầm biogas. Cán bộ chuyên môn các địa phương đều cung cấp thuốc, hướng dẫn nông dân phun khử trùng định kỳ phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi. Trước mắt, dù đối phó với việc cắt giảm nguồn thức ăn, các hộ nuôi vẫn chú trọng việc đảm bảo phòng dịch cho vật nuôi, giữ chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, sát trùng thường xuyên theo định kỳ 1 tuần/lần.
Theo bà Hà Thị Thu Dung, dù giá cả thị trường như thế nào đi nữa thì bà vẫn đảm bảo đàn heo khỏe mạnh, chất lượng. Bà Dung nhớ lại giai đoạn đầu khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, nguồn thực phẩm được tiêu thụ khá mạnh, mỗi đợt xuất chuồng đàn heo hơn 20 con với giá bán lý tưởng khoảng 7 triệu đồng/con. Hiện nay, tuy không thể kỳ vọng được mức giá như trên, nhưng bà vẫn mong thị trường khả quan hơn, ngành chức năng có giải pháp để ổn định giá cả thức ăn chăn nuôi giúp nông hộ bớt tốn kém.
Ngành chức năng nhận định, do thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội khiến lượng heo quá lứa tồn đọng nhiều. Gần đây, số lượng heo xuất chuồng tăng nên giá heo hơi giảm. Dự kiến, sau khi người chăn nuôi bán đi lượng heo quá lứa, đàn heo giảm, cộng với nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới và các lễ hội dịp cuối năm là điều kiện giá heo tăng trở lại. Vì vậy, cùng với các biện pháp hỗ trợ của ngành chức năng, hộ nuôi cần duy trì tái đàn để chăn nuôi, phục vụ nhu cầu của thị trường, đảm bảo kinh tế cho gia đình.
Trước thực trạng giá heo hơi sụt giảm, giá thức ăn tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương, doanh nghiệp xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng tiêu thụ thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn, thuốc thú y, xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường…
MỸ HẠNH