Giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch bệnh

24/04/2020 - 05:48

 - Trong tình hình kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đa số người lao động bị giảm thu nhập, trong khi vẫn phải sử dụng các mặt hàng thiết yếu, thậm chí có phần tăng. Việc giảm giá và đề xuất giảm nhiều mặt hàng đã giúp người dân chia sẻ gánh nặng chi phí đáng kể.

Trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ không thiết yếu tạm thời đóng cửa đồng loạt, nhiều công ty phải dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tình trạng cắt giảm thu nhập, thất nghiệp diễn ra tại nhiều gia đình, trong khi chi phí phát sinh bởi nhu cầu tiêu thụ điện, nước, gas, truy cập thông tin... có xu hướng gia tăng.

Từ cuối tháng 3-2020, giá xăng giảm đã giúp nhiều người đang vào vụ sản xuất nhẹ lo hơn, nhất là cơ sở kinh doanh nhỏ, nông dân có mô hình nuôi trồng quy mô. Bắt đầu tháng 4, 5 và 6, giá điện cũng được giảm 10% để hỗ trợ người dân. Tổng thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện chính thức là 3 tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7-2020. Đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (sản xuất - kinh doanh, hành chính sự nghiệp…), thực hiện từ kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày 16-4.

Nhiều mặt hàng thiết yếu được giảm giá giúp người dân giảm gánh nặng chi phí trong giai đoạn khó khăn

Là doanh nghiệp xay xát lúa gạo, ông Nguyễn Văn Thành (Giám đốc Công ty TNHH Hòa An, xã Phú Hưng, Phú Tân, An Giang) rất phấn khởi trước thông tin trên. Do sản lượng điện sử dụng nhiều, nhà máy của ông được ghi điện 2 kỳ/tháng. Ông Thành cho biết, dịch bệnh Covid-19 xảy ra nhưng may mắn ngành lương thực vẫn hoạt động bình thường. Hai tháng qua, sản xuất được tăng cường hơn do vào thời gian cao điểm, bình quân 1 tháng phải trả trên 200 triệu đồng tiền điện, với mức giảm giá tiền điện 10%, công ty đã được bớt hơn 20 triệu đồng.

Ngay cả hộ gia đình như bà Trần Thị Thu Vân (ngụ thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) cũng thấy mừng trước thông tin này. Bà Vân chia sẻ: “Hàng tháng, chi phí sử dụng điện khoảng 300.000 đồng. Tôi là cán bộ về hưu, đồng tiền không được “rộng rãi” như lúc còn đi làm, trong thời điểm này lại ở nhà nhiều hơn nên giảm giá điện sẽ giúp chi phí đỡ được phần nào. Tôi nghĩ không riêng cá nhân mình, toàn dân đều rất ủng hộ, nhất là các hộ mua bán sẽ an tâm hơn trong thời gian phòng, chống dịch bệnh với chính sách này”.

Thời gian qua, thực hiện giãn cách xã hội, người dân nghiêm túc chấp hành ở nhà, hạn chế ra ngoài. Nhiều lao động, học sinh, sinh viên chuyển sang làm việc và học tập trực tuyến. Các nhà mạng đưa ra chính sách giảm giá cước viễn thông, tăng dung lượng cho khách hàng trong mùa dịch bệnh, đồng thời nâng tốc độ internet lên 50%, dung lượng sử dụng data của tất cả gói cước hiện hành lên 50% nhưng không tăng giá, đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Chị Ngô Kim Yến (xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang) trần tình: “Ngày trước, đăng ký sử dụng 3G chủ yếu là để giải trí, từ khi con gái nghỉ học, điện thoại được sử dụng nhiều hơn để tải tài liệu, gặp gỡ giáo viên. Nghĩ bụng lắp wifi thì không cần thiết vì chỉ tránh dịch thời gian thôi, nên tôi đăng ký gói truy cập dung lượng lớn hơn. Nhờ vậy, việc học của con không bị gián đoạn, có thể tìm kiếm thêm thông tin, đọc báo…”.

Hiện nay, nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm cũng được các siêu thị, cửa hàng giảm giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. MM Mega market Long Xuyên thường có chương trình bán đồng giá trái cây, thịt, các loại gia vị hàng tuần hoặc cuối tuần. Còn siêu thị Co.op mart Long Xuyên có chương trình ưu đãi tiết kiệm với nhiều mặt hàng giảm giá, tập trung là thực phẩm chế biến, sữa, hàng gia dụng…

Quan sát trong những ngày qua, chị Phan Thị Mỹ Kim (ngụ TP. Long Xuyên) thấy sau xăng thì giá gas cũng giảm, lần lượt đến nhiều sản phẩm thiết yếu khác. Kinh doanh quán ăn, phải tạm ngừng hoạt động với chị là khoảng thời gian buồn vì chỉ ở nhà, lo tính toán chi tiêu nhiều thứ. Chị Kim tâm sự, rất thấu hiểu bởi tình hình trong xã hội đang khó khăn chung nên những điều chỉnh về giá sinh hoạt các mặt hàng trong lúc này khiến chị thấy an ủi.

Trước sự chia sẻ kịp thời của nhà nước và doanh nghiệp, phần lớn người dân dành thời gian ở nhà sẽ được hưởng lợi để thực hiện các biện pháp phòng bệnh tốt hơn.

MỸ HẠNH