Tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh lao động cho công nhân tại doanh nghiệp
Trên địa bàn tỉnh, các DN đều xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, văn hóa an toàn nơi làm việc, bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của nhà nước, tài sản của DN, tổ chức... Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết, có được những chuyển biến trên là sự tập trung lãnh, chỉ đạo của các cấp công đoàn và sự quan tâm của người sử dụng lao động, NLĐ. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở (CĐCS) và người sử dụng lao động, NLĐ trong việc tuân thủ, chấp hành thực hiện pháp luật ATVSLĐ trong quá trình lao động, sản xuất.
Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều giải pháp, như: Sinh hoạt tổ công đoàn, hệ thống truyền thanh nội bộ DN, tập huấn, hội thi về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, liên tục đưa tin, hình ảnh, bài viết về các hoạt động của cơ sở lên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, DN, mạng xã hội; thông tin về các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để NLĐ dễ nhớ, dễ hiểu... Định kỳ hàng năm, LĐLĐ tỉnh hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Các CĐCS đẩy mạnh chương trình chăm lo cho công đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm lo bữa ăn ca, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, cải thiện môi trường làm việc... Mỗi năm, có ít nhất 2 lớp tập huấn trang bị kiến thức ATVSLĐ cho công đoàn viên, NLĐ tại các DN có tổ chức công đoàn.
Tại Công ty Cổ phần đầu tư Giày An Giang, 100% cán bộ an toàn vệ sinh viên được tập huấn nghiệp vụ, không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Đơn vị còn thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn quy trình, quy phạm biện pháp làm việc an toàn. Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần đầu tư Giày An Giang Bùi Thị Thanh Quyên cho biết, hàng năm, công ty trang bị bảo hộ lao động kịp thời và đầy đủ cho NLĐ, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với lao động nữ. Chủ trương “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, các tiêu chí ATVSLĐ, bảo hộ lao động được đưa vào các hội nghị, nghị quyết của công ty, quán triệt nhắc nhở thường xuyên ở các đơn vị trực thuộc. Ngoài lớp huấn luyện ATVSLĐ hàng năm, đơn vị còn thường xuyên giáo dục, huấn luyện tại chỗ cho NLĐ; thực hiện nghiêm đăng ký, kiểm định máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Do đặc thù nghề nghiệp, để xây dựng môi trường làm việc an toàn, hàng năm, CĐCS Công ty Cổ phần Điện nước An Giang hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ bằng các hoạt động: Tuyên truyền, mời đơn vị chuyên môn huấn luyện và sát hạch tay nghề. Công ty còn duy trì tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho NLĐ. Hàng năm, công đoàn tham mưu, đề xuất lãnh đạo công ty trang bị trang phục bảo hộ lao động cho công nhân, các thiết bị ATVSLĐ, khám sức khỏe cho 100% công nhân. Nhờ được chăm lo chu đáo, công nhân, viên chức, lao động không chỉ hăng hái làm việc mà còn tích cực thi đua, sáng tạo, đóng góp các sáng kiến giúp sản xuất - kinh doanh của đơn vị tiết kiệm, an toàn…
Đến nay, toàn tỉnh có 41 Hội đồng bảo hộ lao động trong các DN có đông lao động, với 396 thành viên. Bên cạnh, 185 DN có tổ chức công đoàn thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, trong đó, trên 90% CĐCS DN cử ủy viên ban chấp hành phụ trách theo dõi công tác ATVSLĐ tại DN, 100% công đoàn cấp trên cơ sở cử cán bộ công đoàn phụ trách công tác bảo hộ lao động. Từ năm 2019 đến nay, công đoàn cấp trên cơ sở đã tham gia thanh, kiểm tra và giám sát 57 cuộc lồng ghép nội dung về ATVSLĐ ở 462 đơn vị, DN. Qua đó, kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt hành chính 5 vụ. Các CĐCS DN chủ động phối hợp người sử dụng lao động tự kiểm tra 667 cuộc, phát hiện 206 nguy cơ rủi ro và đã khắc phục sửa đổi, bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn kịp thời.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, phần lớn thời gian các DN tập trung cho hoạt động sản xuất nên công tác ATVSLĐ ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính hình thức. Mặt khác, lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách số lượng ít và kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian thực hiện sâu rộng nhiệm vụ này. Trong đó, công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến pháp luật, kiến thức về ATVSLĐ còn hạn chế so với nhu cầu thực tế tại cơ sở... Do đó, công tác ATVSLĐ cần được tăng cường hơn nữa, nhất là nâng cao ý thức, sự quan tâm của chủ DN, NLĐ trong thời gian tới.
5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 48 vụ tai nạn lao động trong các đơn vị, DN có tổ chức công đoàn (giảm 6 vụ), làm 38 người chết, 10 người bị thương. Quá trình tham gia xử lý vụ việc, công đoàn các cấp đã có kiến nghị đơn vị, DN thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người bị tai nạn lao động, đảm bảo quyền lợi cao hơn hoặc bằng quy định của pháp luật. |
MỸ HẠNH