Giới thiệu những nét đặc trưng của làng cổ Phước Tích

24/11/2022 - 08:39

Chiều 23/11, tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế tổ chức trưng bày Triển lãm mỹ thuật chủ đề “Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của Mỹ thuật tạo hình”, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Triển lãm “Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình” diễn ra đến hết ngày 27/11. 

Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng 38 tác phẩm của 37 tác giả là giảng viên, sinh viên, học sinh đến từ Trường Đại học Nghệ thuật, Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế và một số Trường Trung học Phổ thông ở huyện Phong Điền sáng tác về làng cổ Phước Tích. Đây là thành quả của hoạt động sáng tác bằng hình thức vẽ ký họa, trực họa và trải nghiệm làm gốm tại làng cổ ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền được tổ chức vào đầu tháng 10/2022. Các tác phẩm được sáng tác và trưng bày tại Triển lãm thể hiện những nét đặc trưng của làng cổ Phước Tích - ngôi làng được công nhận là Di sản cấp quốc gia.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế Đinh Thị Hoài Trai cho biết, với các chất liệu như acrylic, bút sắt, sáp màu trên giấy, giấy dó, chì than, màu nước, nhiếp ảnh và bằng lối tả thực, bán trừu tượng, các tác phẩm thể hiện nét đẹp di sản của làng cổ từ góc sân vườn, lò gốm, công trình kiến trúc nhà rường cổ trăm tuổi, con đò, bến nước dòng sông... Không gian triển lãm giúp công chúng và du khách hiểu biết thêm về giá trị văn hóa, lịch sử của làng cổ Phước Tích, qua đó nhằm góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, đồng thời tiếp tục kết nối cộng đồng, nâng cao ý thức gìn giữ và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của di sản. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27/11.

Cùng ngày, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế tổ chức Triển lãm chuyên đề “Một số lễ hội dân gian Thừa Thiên - Huế”. Triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá tới công chúng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và nét đặc sắc, độc đáo riêng của lễ hội dân gian Huế; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy vai trò của lễ hội trong đời sống cư dân hiện đại, thúc đẩy phát triển du lịch.

Cố đô Huế là vùng đất có truyền thống văn hóa phong phú và đặc sắc. Dưới thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn, có thể nói, Huế là nơi hội tụ, gặp gỡ của các luồng tư tưởng Đông Tây kim cổ. Vì vậy, lễ hội dân gian ở Huế rất đa dạng, mang bản sắc riêng.

Lễ hội dân gian ở Huế là sự tiếp thu, phát triển từ nhiều loại hình lễ hội dân gian của miền Bắc nên có những đặc điểm chung về nghi thức, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kết hợp với màu sắc văn hóa bản địa và đặc tính con người Huế, lễ hội dân gian ở đây có nét độc đáo riêng. Phương thức tổ chức và nội dung thể hiện của lễ hội dân gian ở Huế nặng về tính chất tín ngưỡng, thiên về lễ hơn hội. Triển lãm diễn ra đến ngày 23/12/2022.

Theo TTXVN