Thu hoạch lúa hè thu tại thành phố Cần Thơ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 ước đạt gần 3,9 triệu héc-ta, với năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước hơn 24 triệu tấn.
Thêm những vụ mùa thành công
Tại Sóc Trăng, vụ lúa hè thu năm 2022, toàn tỉnh xuống giống hơn 139.000ha, năng suất lúa bình quân đạt 5,6 tấn-5,7 tấn/ha, cao hơn vụ lúa hè thu năm 2021 khoảng 1 tấn/ha, giá lúa xuất bán trên thị trường từ 5.400-5.600 đồng/kg, trong đó các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản giá bán từ 6.800-7.400 đồng/kg, giá lúa các loại cao hơn cùng kỳ vụ hè thu năm 2021 từ 100-200 đồng/kg.
Nông dân Sơn Ngọc Thanh, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên phấn khởi cho biết: Vụ hè thu năm nay, tôi sử dụng lúa ST25 gieo trồng cho toàn bộ 5 ha, lúa thu hoạch đạt năng suất 7 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ hè thu năm 2021 là 1,5 tấn/ha và được doanh nghiệp bao tiêu 8.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận được 25 triệu đồng/ha. Qua tính toán, vụ lúa hè thu năm nay, gia đình tôi có lợi nhuận cao hơn vụ hè thu cùng kỳ năm trước hơn 15 triệu đồng/ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ lúa hè thu năm 2022, toàn tỉnh gieo sạ 279.699ha, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Năm 2022, Kiên Giang phấn đấu sản lượng lúa hơn 4,4 triệu tấn, riêng vụ hè thu hơn 1,57 triệu tấn.
Tại vùng sản xuất trọng điểm lúa huyện Tân Hiệp, cơ bản đã thu hoạch xong 36.598ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất bình quân 5,9 tấn/ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, Bùi Quốc Duy cho biết, vụ lúa hè thu, huyện gieo sạ theo hướng hợp tác, tập trung, đồng loạt, né rầy; nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, mặc dù giá nhiên liệu, vật tư nông nghiệp tăng nhưng nông dân vẫn có lợi nhuận.
Nhiều nông dân huyện Hòn Đất, trồng các giống lúa Nhật Bản có thời gian sinh trưởng dài từ 110-120 ngày. Lúa Nhật Bản sinh trưởng và phát triển phù hợp vùng đất phèn, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, ít đổ ngả; năng suất trung bình từ 1-1,2 tấn/công (1.000 m2), giúp nông dân đạt lợi nhuận khoảng 3,5-4 triệu đồng/công.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, vụ hè thu năm 2022, Cần Thơ gieo sạ hơn 73.000ha và đã thu hoạch xong, năng suất đạt 60,2 tạ/ha, cao hơn 2,2 tạ/ha so với vụ trước. Vụ thu đông năm 2022, thành phố xuống giống hơn 65.000 ha, giảm hơn 5.000 ha so với vụ trước. Đến cuối tháng 9/2022, Cần Thơ thu hoạch hơn 50% diện tích lúa thu đông năng suất đạt hơn 5,5 tấn/ha, tương đương so với vụ lúa 2021.
Hiện lúa thu đông có giá từ 5.400-5.700 đồng/kg, tăng từ 100-200 đồng kg so với tháng trước nhờ thị trường xuất khẩu mở rộng, doanh nghiệp tăng thu mua lúa phục vụ xuất khẩu. Cả hai vụ hè thu và thu đông, nông dân Cần Thơ thu hoạch đạt năng suất khá cao, bán được giá nhờ sử dụng các giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao, áp dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, nên tiết kiệm được chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Ông Trần Văn Mến ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai vừa thu hoạch 8 công lúa vụ thu đông, trồng giống OM 5451 đạt năng suất gần 30 giạ công, bán lúa tại ruộng được 5.500 đồng/kg. Ông phấn khởi cho biết: Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa như “ba giảm ba tăng, một phải năm giảm”, đặc biệt là cơ giới hóa từ khâu làm đất tới thu hoạch nên việc trồng lúa không còn vất vả như trước, hiệu quả sản xuất lại tăng. Vụ thu đông này dù lợi nhuận không cao bằng vụ đông xuân, nhưng mỗi công lúa sau khi trừ chi phí, gia đình vẫn có lãi hơn 1 triệu đồng.
Sản xuất gắn với thị trường
Kiên Giang là một trong những địa phương thành công với mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 310 cánh đồng lớn lúa chất lượng cao, diện tích 61.074ha, sản lượng đạt khoảng 458.000 tấn; trong đó, liên kết tiêu thụ là 184 cánh đồng, diện tích 36.346 ha, sản lượng ước đạt gần 269.000 tấn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, qua thực hiện cánh đồng lớn đã giúp nông dân nâng cao nhận thức trong liên kết làm ăn, thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập...
Ông Toàn cũng cho biết thêm, ngành nông nghiệp tỉnh và Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An vừa ký hợp tác phát triển vùng nguyên liệu lúa ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành đạt chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Hai bên xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu với quy mô 63.000ha gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm dựa trên sự đồng thuận hợp tác của người nông dân, mà đại diện là các hợp tác xã, tổ hợp tác, kết hợp với thiết lập mã vùng trồng và xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2022-2023, Kiên Giang thực hiện ký tiêu thụ 123.000ha với các đơn vị gồm Công ty Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Tân Long...
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung và mở rộng vùng nguyên liệu, diện tích cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ để khơi thông dòng chảy hạt gạo và nâng cao chuỗi sản xuất lúa gạo tỉnh Kiên Giang.
Trong khi đó, Sóc Trăng có diện tích gieo trồng 327.826ha lúa, sản lượng hơn 2 triệu tấn; trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao 1,53 triệu tấn, chiếm 74,3% tổng sản lượng; riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại hơn 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4%.
Tỉnh hiện có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 61.922ha, lợi nhuận bình quân của nông dân Sóc Trăng đạt từ 8,6 triệu đến 26,3 triệu đồng/ha. Từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong số đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, Sóc Trăng đã đề ra kế hoạch phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung các giống lúa đặc sản nhóm ST (ST24, ST25), lúa Tài Nguyên mùa thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
Tại Cần Thơ, để tăng hiệu quả sản xuất, nông dân còn tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã hình thành nên cánh đồng lớn để được giảm chi phí sản xuất, ký bao tiêu sản phẩm để bán được với giá tốt.
Mỗi năm, Cần Thơ sản xuất lúa ba vụ với diện tích hơn 220.000ha, năng suất đạt hơn 1,3 triệu tấn lúa. Trong đó, có khoảng 100.000 ha tham gia cánh đồng lớn, chiếm khoảng 50% diện tích canh tác. Canh tác theo mô hình cánh đồng lớn giúp giảm chi phí sản xuất, giá lúa bán cao hơn bên ngoài từ 100-300 đồng/kg.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, Trần Thái Nghiêm cho biết, hơn 90% diện tích lúa trên địa bàn thành phố sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP ngày càng được nông dân áp dụng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường khó tính.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố sẽ triển khai xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây sẽ là trung tâm logistics của cả vùng phục vụ xuất khẩu gồm hệ thống kho; thông quan, kiểm hóa (IDC); các dịch vụ logistics; tích hợp đa phương thức vận tải.
Đồng thời là trung tâm chế biến tinh của vùng với các nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao. Trung tâm này thật sự rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với việc ổn định đầu ra, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có lúa gạo.
Theo Nhân Dân