Giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả

27/03/2020 - 04:58

 - Sau gần 7 tháng triển khai mô hình trồng măng tây ở TP. Long Xuyên (An Giang), nhiều hộ nông dân ở các địa phương như: Mỹ Khánh, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa Hưng đã bắt đầu cho thu hoạch, đạt về năng suất và giá cả. Đây là mô hình được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên thực hiện hỗ trợ nông dân từ giữa năm 2019.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân ở các địa phương đã đầu tư nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, TP. Long Xuyên đã phát triển mô hình trồng măng tây kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt.

Mô hình được kỹ sư Nguyễn Huỳnh Nhật Trường (cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên) triển khai thực hiện cho một số nông dân trên địa bàn TP. Long Xuyên. Đây sẽ là điểm nhấn của TP. Long Xuyên về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, thông qua mô hình trồng măng tây kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nông dân trên địa bàn TP. Long Xuyên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây măng tây xanh

Theo kỹ sư Trường, cây măng tây là một trong những giống rau ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo và là một vị thuốc… Không những thế, cây măng tây trồng rất đơn giản và thích nghi với điều kiện thời tiết ở ĐBSCL nên mọi người có thể tự trồng và thu được hiệu quả cao.

“Tuy nhiên, nông dân phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: tưới nước ứng dụng công nghệ cao có kiểm soát, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học. Có như vậy thì sản xuất mới phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao” - kỹ sư Trường thông tin.

Ở mỗi mô hình được triển khai, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên hỗ trợ chi phí, có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động. Nông dân đối ứng nguồn vốn, trực tiếp chăm sóc và học tập kỹ thuật từ các kỹ sư để trực tiếp ứng dụng vào sản xuất hiệu quả.

Nhờ kết hợp hệ thống tưới nước nhỏ giọt vừa giúp nông dân trồng cây măng tây nhẹ công chăm sóc, vừa có khả năng điều tiết nhiệt độ và độ ẩm giữa các cây, tạo điều kiện tốt để cây trồng đạt được sản lượng cao và ổn định.

Măng tây xanh được nông dân trồng ở xã Mỹ Khánh

Là một trong những nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi từ canh tác các loại rau ăn lá thông thường sang trồng măng tây ở xã Mỹ Khánh, ông Đào Quang Trí đã chứng minh được hướng đi đúng đắn của mình.

Theo ông Trí, so với canh tác rau màu thì trồng măng tây sẽ nặng vốn hơn, nhiều công chăm sóc hơn, nhưng thời gian thu hoạch kéo dài từ 8-10 năm. Như vậy, chỉ cần đầu tư 1 lần sẽ cho hiệu quả lâu dài. Dù có một số loại sâu bệnh tấn công nhưng nông dân có thể khống chế được, không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây măng tây.

Bên cạnh đó, nông dân được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng thuốc vi sinh, bón phân gà, đậu nành qua xử lý, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, đây còn là sản phẩm sạch, an toàn nên được người tiêu dùng đón nhận.

“Trong thời gian thu hoạch, mình chỉ cần bón thêm phân chuồng để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho măng non phát triển. Sau thời gian chăm sóc thì đây là lúc có thể thu tiền mỗi ngày”- ông Trí chia sẻ.

Hiện nay, sau hơn 7 tháng trồng, vườn măng tây của ông Trí đang cho thu hoạch từ 5-6kg/ngày, giá bán dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg. Măng tây được thu hoạch sớm và chuyển bán tận tay người tiêu dùng ở chợ nên vẫn giữ được độ tươi, ngon, ngọt và mùi thơm đặc trưng.

“Nhờ trước giờ mình canh tác rau hữu cơ an toàn, vừa có kinh nghiệm lại được nhiều người biết đến. Do vậy, khi chuyển sang trồng măng tây theo hướng canh tác an toàn nên được bà con đón nhận, vừa ra đến chợ là đã hết hàng” - ông Trí cho hay. Đây là cơ hội cho ông Trí cũng như nhiều nông dân trên địa bàn TP. Long Xuyên phát triển, trên cơ sở liên kết sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản.

Mô hình được triển khai từ tháng 7-2019, ở các hộ: Đào Quang Trí (1.300m2, xã Mỹ Khánh), ông Mai Tấn Phước (500m2, phường Mỹ Thạnh), Thái Hữu Lộc (500m2, phường Bình Đức), Ngô Văn Phương (1.200m2, phường Mỹ Thới), Nguyễn Văn Thiệp (2.000m2, xã Mỹ Hòa Hưng).

ÁNH NGUYÊN