Gỡ khó đầu ra cho sản phẩm rau màu

06/05/2019 - 08:17

 - Trông chờ vụ kiệu bội thu cả năng suất lẫn giá cả, thế nhưng năm nay số hộ trồng kiệu ở Tân Trung (Phú Tân) không như ý muốn. “Cung” vượt “cầu” khiến sản lượng kiệu thu hoạch hơn 1 tháng qua kéo dài, chỉ có thể bán lẻ với giá thấp bằng 1/3 so các vụ trước. Thực trạng trồng ồ ạt kiểu “ăn theo” vì giá cả trước mắt và tìm đầu ra ổn định là nỗi trăn trở chung của chính quyền địa phương và bà con nông dân.

Bài học từ mùa kiệu “dội chợ”

Trước đây, diện tích kiệu trên địa bàn xã chỉ 20-25ha, tập trung tại ấp Tân Thạnh, do những hộ lâu năm và có nhiều kinh nghiệm canh tác. Nhờ đất cồn, kiệu sinh trưởng rất tốt và đạt năng suất cao. Những năm trước, trồng kiệu cho hiệu quả kinh tế khá cao, cứ 1.000m2 chi phí 30 triệu đồng, năng suất đạt 7 tấn, giá bán 18.000 đồng/kg, nông dân lời hàng chục triệu đồng. Gần đây, mùa vụ Tết Nguyên đán 2019, kiệu có giá 13.000 đồng/kg, mỗi công lời 40 triệu đồng. Thấy giá kiệu được thương lái mua với giá cao, giá nguyên liệu đầu vụ tái sản xuất thấp (chỉ bằng một nửa so với các vụ trước) nên nhiều hộ đang trồng rau màu khác chuyển sang trồng kiệu. Diện tích kiệu toàn xã Tân Trung đã tăng lên 50ha, dù vụ này vẫn tiếp tục đạt năng suất nhưng thương lái ngưng thu mua khiến bà con phải bán lẻ với giá rất thấp, từ 13.000 đồng nay còn 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, hộ nào trồng năng suất cao có thể hòa vốn hoặc lời ít, còn lại bị thua lỗ.

Tất cả hộ trồng kiệu ở xã Tân Trung đều phụ thuộc vào 2 thương lái đến từ huyện Chợ Mới. Trong đó thương lái tên Duyên thường thu mua số lượng nhiều. Theo người dân ở đây, ông Duyên không nói thẳng là “không thu mua” mà chỉ hứa sẽ đến nhổ kiệu, sau nhiều lần “hứa” đến ngày kiệu thu hoạch bà con phải nhổ bán lẻ, chấp nhận bị bạn hàng ép giá. Hộ ông Huỳnh Thanh Phong (người dân trồng kiệu và nhiều rau màu xen vụ trong năm) cho biết, gia đình ông trồng 6,5 công kiệu, mới thu hoạch 3 công, thông qua nhiều mối quen bán với giá 5.500 đồng/kg, vụ này lỗ 30 triệu đồng. “Đất ở đây trồng kiệu tốt, mấy năm trước trúng mùa, được giá, lời vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Bây giờ mỗi ngày phải nhổ từ 400 - 500kg, phải trả tiền thuê nhân công, nên chi phí đội lên” - vợ ông Phong trần tình. Trong số hộ trồng kiệu phát sinh, ông Từ Ngọc Ân có đến mười mấy công kiệu, lỗ hơn 100 triệu đồng. Chị Lê Thị Ngọc Giàu (hộ trồng kiệu nhiều năm nay) đề xuất: “Mấy chục hộ chỉ phụ thuộc vào 2 thương lái ở Chợ Mới, không có sự cạnh tranh nên họ không đảm bảo giá cả lẫn đầu ra cho nông dân. Nếu có nhiều mối thu mua, nông dân mới mong bán nông sản được giá, càng tốt hơn nếu tìm được nguồn bao tiêu ký kết hợp đồng rõ ràng và giá ổn định”.

Định hướng vụ mùa và đầu ra ổn định

Theo Bí thư, Chủ tịch xã Tân Trung Nguyễn Quốc Bảo, xã đang làm việc với ngành nông nghiệp và một số ngành liên quan để có thêm thông tin tìm hướng hỗ trợ nông dân trồng kiệu. Đến nay, duy nhất đậu nành rau và số ít bắp trái non trên địa bàn xã Tân Trung được Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) hỗ trợ kỹ thuật, giống, thu mua với giá ổn định. Những sản phẩm còn lại, gồm: khoai cao, kiệu, ớt, rau ăn lá… đều chung hoàn cảnh nông dân tự trồng, tự bán cho thương lái, chưa có đầu mối thu mua ổn định. Điển hình như khoai cao, vào giai đoạn đại trà, doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng không thu mua, sau nhiều lần thỏa thuận không thành, nông dân thưa kiện, đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Loại cây màu khác như ớt, do nhiều mùa mất giá, người dân bỏ ớt sang trồng cây màu khác, năm nay ớt có giá trở lại. Đó là chuyện thường thấy của người dân khi chỉ chú trọng được mùa cây nào thì “ăn theo” cây đó, không lường trước tình hình, thị trường. Năm nay tiếp tục xảy ra tình trạng “dội chợ” đối với củ kiệu.

Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết, về phản ánh của bà con, địa phương đang cố gắng cùng huyện, tỉnh tìm nguồn tiêu thụ. Song song đó sẽ tiến hành rà soát lại các hộ trồng kiệu, làm việc với thương lái thu mua để đánh giá sức mua phù hợp, không để bà con tự ý trồng tràn lan khiến cung vượt cầu. Hiện nay, trên địa bàn xã còn 40ha kiệu chưa thu hoạch. Từ các vụ sau, địa phương sẽ khuyến khích những hộ trồng lâu năm tại ấp Tân Thạnh tiếp tục bám trụ mô hình, vận động số hộ phát sinh chuyển hướng trồng cây màu phù hợp, càng ít “đụng hàng” càng tốt để tránh tình trạng “dội chợ” cũng như giúp nông sản có đầu ra ổn định hơn. Đặc thù xã Tân Trung là vùng ngoài đê Bắc Vàm Nao, mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước tưới, nông dân sản xuất chủ yếu là các loại rau màu. Xã Tân Trung đang khẩn trương để thành lập hợp tác xã nông nghiệp chuyên về rau màu, nhằm phát huy hiệu quả sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của nông dân. Do hiện nay còn vướng về thành viên, số lượng, cổ phần góp vốn, dịch vụ hoạt động… dự kiến đến quý II-2019 sẽ thành lập chính thức.

MỸ HẠNH