Gỡ“nút thắt” xây dựng nông thôn mới

29/03/2018 - 07:18

 - Để xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi về vốn để thúc đẩy kinh tế NT phát triển theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào NN.

Quyết tâm hành động

Xác định xây dựng NTM là động lực thúc đẩy NT phát triển, kéo giảm khoảng cách giữa thành thị và NT, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác này.

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3310/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng NTM.

Ban Chấp hành Đảng bộ của 11/11 huyện, thị xã, thành phố xây dựng nghị quyết và chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh.

Xã Tà Đảnh (Tri Tôn) đề ra kế hoạch nâng chất các tiêu chí ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM

Để nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng trong xây dựng NTM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách huyện, xã NTM giai đoạn 2016-2020.

Hầu hết các xã đã được các đồng chí Tỉnh ủy viên đến kiểm tra (khoảng 2-4 lần/xã), làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã để đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn, tìm hướng tháo gỡ, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các xã điểm.

Một số xã đã hoàn thành trước lộ trình như: Mỹ Khánh - TP. Long Xuyên, Thoại Giang - Thoại Sơn (lộ trình 2017 nhưng hoàn thành năm 2016), Khánh Hòa - Châu Phú và Vĩnh Khánh - Thoại Sơn (lộ trình năm 2018 nhưng phấn đấu đạt chuẩn năm 2017).

Ngày 28-11-2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3379/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí (TC) xã NTM tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 gồm 19 TC và 49 chỉ tiêu. Trong đó, đã phân công 16 sở, ngành phụ trách từng TC, chỉ tiêu.

Tính đến ngày 31-12-2017, toàn tỉnh đã có 33/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”, 7 xã đạt 15-18 TC, 44 xã đạt 10-14 TC, 34 xã đạt 5-9 TC. Bình quân toàn tỉnh đạt 12,9 TC/xã và không còn xã nào đạt dưới 5 TC.

Không lơ là, chủ quan

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp (NN) và Phát triển NT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết, năm 2017, An Giang có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ TC mới (Quyết định số 3379/QĐ-UBND).

Tuy nhiên, đối với 21 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016 theo Bộ TC NTM cũ (Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 15-11-2013, gồm 19 TC, 50 chỉ tiêu) thì qua đánh giá, có 7 xã giữ vững, duy trì nâng chất theo bộ TC mới, đạt 19/19 TC (Vĩnh Phú, Vĩnh Trạch, Thoại Giang - huyện Thoại Sơn; Vĩnh Châu, Vĩnh Tế - TP. Châu Đốc; Long An - TX. Tân Châu và Núi Voi - huyện Tịnh Biên), có 3 xã đạt 18 TC, 7 xã đạt 17 TC, 2 xã đạt 16 TC, thấp nhất là xã Tân Hòa (Phú Tân) đạt 15 TC và xã Vĩnh Thành (Châu Thành) đạt 14 TC.

Theo đánh giá của BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, bên cạnh những địa phương triển khai rất tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng NTM (điển hình như cấp ủy và chính quyền huyện Thoại Sơn) vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc duy trì, nâng chất chỉ tiêu, TC tại các xã điểm.

Trong tổng số 61 xã điểm, có 2 xã đạt TC thấp như: Khánh Bình (An Phú) và Kiến An (Chợ Mới), rất khó đạt chuẩn xã NTM theo lộ trình. Đối với xã Kiến An, từng được chọn làm điểm giai đoạn 2011-2015 (nhưng chưa đạt chuẩn), sau đó tiếp tục đưa vào lộ trình giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay mới đạt 9 TC.

Nguyên nhân do công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền xã chưa thật sự quyết liệt, nhiều TC không cần vốn nhưng vẫn chưa đạt. Đối với xã Khánh Bình, là xã điểm giai đoạn 2016-2020 nhưng đạt thấp nhất (chỉ có 8 TC). Trong đó có là 2 TC “cứng” là thu nhập và hộ nghèo chưa đạt, khả năng rất khó đạt thu nhập 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. 

Để đảm bảo trên 50% số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2020 (61/119 xã) theo yêu cầu của Trung ương, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải thật sự nỗ lực, quyết tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm.

Đối với các xã đạt chuẩn NTM, không được có tâm lý lơ là, chủ quan, thỏa mãn mà phải thường xuyên, củng cố, nâng chất. Bên cạnh đó, Trung ương cần tăng cường hỗ trợ cho tỉnh bởi với đặc thù dân số đông (đứng thứ 6 cả nước), mật độ dân cư cao (bình quân 609 người/km2) nên suất đầu tư cho một xã NTM trên địa bàn An Giang chiếm bình quân 90,2 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần bình quân cả nước). Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong lĩnh vực NN sạch, NN ứng dụng công nghệ cao.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất NN và công nhận doanh nghiệp NN, NN công nghệ cao, dự án NN phù hợp với điều kiện tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, phục vụ phát triển NN, NN ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân NT, thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM.

NGUYÊN ANH