Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới

11/10/2020 - 07:58

Là một trong 8 chương trình công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đạt được nhiều kết quả với số xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng đầu cả nước.

Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền

Hà Nội luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn năm 2016 đến giữa năm 2020, Hà Nội đã huy động hơn 56.512 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới hàng trăm trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, bảo đảm nhu cầu sản xuất, giao thương, sinh hoạt của nhân dân.

Trong đó, nét mới trong thời gian vừa qua là các quận tập trung hỗ trợ các huyện xây dựng nhiều công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa... với tổng kinh phí hơn 808,6 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2016-2020: hơn 713 tỷ đồng, gấp 7,5 lần giai đoạn 2011-2015).

Chú thích ảnh

Vùng sản xuất hoa của xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề 85%; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 100%, trên 75% được sử dụng nước sạch đô thị.

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ và sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, 5 năm qua, có thể thấy, đời sống người dân khu vực nông thôn đã không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đến nay ước đạt 55 triệu đồng/năm, gấp 1,67 lần năm 2015. 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Trong đó, bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và văn hóa xứ Đoài được khai thác để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch làng nghề... Đây là một trong những định hướng lớn được triển khai trong nhiệm kỳ qua, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn Hà Nội.

Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, ban ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay, toàn thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng Trung ương thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Hiện các huyện: Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ đã trình hồ sơ lên Hội đồng thẩm định Trung ương; còn hai huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung Ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai cũng đã được Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định Trung Ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn công tác thành phố thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến cuối năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương có tổng số xã về đích nhiều nhất của cả nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hướng phát triển toàn diện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu

Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá. Sang giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa, đã cấp được 617.964/622.861 giấy (đạt 99,21%). Kết quả này tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để người nông dân yên tâm liên kết, liên doanh đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao.

Chú thích ảnh

Đường giao thông nông thôn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng khang trang, sạch đẹp, được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: TTXVN

Thành phố đã xây dựng được 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Hà Nội cũng có 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng, phát triển thương hiệu hướng tới xây dựng kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Đến nay, Hà Nội đã đánh giá, xếp hạng cho 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao. Hiện, cả nước có 1.760 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó, riêng Hà Nội chiếm 17% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước.

Không chỉ có nhiều sản phẩm được công nhận, sau khi được đánh giá, công nhận, các sản phẩm OCOP tiếp tục được thành phố Hà Nội hỗ trợ dán tem nhãn; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng Thủ đô... Hiện nay, sản phẩm OCOP của Hà Nội với chất lượng cao, mẫu mã đẹp đã và đang có uy tín trên thị trường và trở thành động lực trong phát triển kinh tế nông thôn. Hà Nội đang tiếp tục quyết liệt thực hiện Chương trình OCOP, phấn đấu đến hết năm 2020 có 1.000 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.

Định hướng trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường.

Hà Nội cũng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP; Nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được khẳng định trên thực tế. Hà Nội phấn đấu năm 2025 tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%; Đưa sản xuất chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư; phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; Hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến 2025 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Hà Nội đã lựa chọn xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng và xã Hồng Vân, huyện Thường Tín để thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô, theo hướng phát triển toàn diện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, lấy văn hóa làm nền tảng, con người làm trung tâm, để rút kinh nghiệm nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn.

Theo DIỆU LINH (Báo Tin Tức)