Hành động để hạn chế thiệt hại do thiên tai

21/03/2019 - 07:38

 - Năm 2018, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại trên 198 tỷ đồng. Dự báo năm 2019, tình trạng nắng nóng, khô hạn, sạt lở đất bờ sông, mưa bão, lũ, giông lốc… càng diễn biến phức tạp và khó lường hơn. Cần có những hành động thiết thực để thích ứng tốt hơn với “cơn giận” của thiên nhiên.

Thiệt hại lớn

Định cư lâu năm cặp bờ kênh Cái Sắn, bà Phạm Thị Nhiễm (khóm Thới Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) chưa bao giờ phải lo lắng về tình trạng sạt lở như hiện nay. “Hồi trước, khi có sóng đánh nhiều thì bờ kênh Cái Sắn chỉ bị rơi từng mảng đất nhỏ nhưng gần đây, sạt lở nghiêm trọng hơn. Mới năm trước, khi tôi đang ngồi trước nhà thì thấy xuất hiện vết nứt khoảng 30m chạy dọc bờ sông. Một lúc sau, cả đoạn bờ sông ăn sâu vào đất liền khoảng 5m bị rơi xuống sông. Hiện, vết nứt còn cách cửa nhà tôi chưa đầy 1m. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có cách nào hạn chế ghe, tàu lớn ra vào ở phía bờ sông đối diện để hạn chế sạt lở” - bà Nhiễm bộc bạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, nếu lúc trước, sạt lở chủ yếu xảy ra ở những con sông chính thì những năm gần đây, sạt lở xuất hiện nhiều ở các tuyến kênh cấp 1, cấp 2, đê bao nội đồng. Việc gia tăng sạt lở ở kênh Cái Sắn là điển hình cho kiểu “xâm lấn” vào kênh nhỏ. Thống kê năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 62 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, dài 2.882m, mất 11.770m2 đất, ảnh hưởng 141 căn nhà (5 căn nhà sụp hoàn toàn), gây thiệt hại khoảng 6,4 tỷ đồng. “Sạt lở đang có xu hướng gia tăng ở những tuyến kênh cấp 1 như: Cái Sắn, Cái Sao, kênh Bảy Xã, Tân An, rạch Ông Chưởng… Đây là những tuyến kênh do UBND cấp huyện quản lý nên chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm. Các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thường xuyên quan trắc, theo dõi, cảnh báo sạt lở để ứng phó” - ông Trần Anh Thư thông tin.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, ước tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2018 hơn 198 tỷ đồng. Bên cạnh sạt lở thì 52 vụ giông, lốc đã làm thiệt hại 278 căn nhà và 4.080ha lúa. Tình hình lũ về sớm, lên nhanh đã gây thiệt hại 1.643 căn nhà, 5 trường học bị ngập, 3.908ha lúa mất trắng, 157 đoạn đê bị sạt lở với chiều dài hơn 77,4km, 610m quốc lộ và 9.685m đường giao thông nông thôn bị ngập và sạt lở…

Nâng cấp nguy cơ thiên tai

Mới bước vào mùa khô 2018 - 2019, toàn tỉnh đã ghi nhận nhiệt độ tăng đến 10C so cùng kỳ. Nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu hụt lượng mưa là những vấn đề cấp bách hiện nay. “Sau nắng nóng gay gắt kéo dài, khi bước vào mùa mưa, rất dễ xảy ra những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, lốc xoáy, sét đánh… Hiện nay, phần lớn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều không có chỗ trú, tránh bão khẩn cấp. Các địa phương cần tính toán phương án dự phòng chỗ tránh trú nhằm bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa bão” - ông Trần Anh Thư lưu ý.

Trước diễn biến hạn, mặn khả năng gây ảnh hưởng lớn, nguy cơ cháy rừng được nâng lên mức cao nhất, ông Thư cho biết, tỉnh sẽ nâng nguy cơ thiên tai lên thêm 1 cấp so với kịch bản để tập trung nguồn lực ứng phó, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro thiên tai. “Trong thời gian chờ tỉnh phê duyệt kế hoạch PCTT&TKCN chung của năm 2019, các huyện, thị xã, thành phố cần hoàn thiện ngay phương án phòng, chống hạn, kiệt khẩn cấp (riêng Thoại Sơn, Tri Tôn có thêm phương án phòng, chống xâm nhập mặn). Trong đó xác định rõ vùng rủi ro thiên tai và cấp độ thiên tai để tập trung ứng phó” - ông Thư chỉ đạo.

Đối với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, cần xây dựng kế hoạch hiệp đồng phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. “Cần thiết nên tổ chức diễn tập ứng phó các tình huống trọng điểm. Việc diễn tập nhằm giúp các lực lượng, nhất là những người mới tham gia lần đầu, làm quen với các tình huống và phối hợp nhịp nhàng, ứng phó hiệu quả trong thực tế. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng website riêng về PCTT&TKCN để thông tin kịp thời, chính xác. UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí phòng họp trực tuyến phòng, chống thiên tai với cấp tỉnh và Trung ương để tổ chức họp, quán triệt chỉ đạo và thống nhất phương án xử lý kịp thời” - ông Trần Anh Thư nhắc nhở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính dự phòng ngân sách cho công tác ứng phó với hạn, mặn, giông lốc, sạt lở đất bờ sông, lũ lụt, mưa bão… để chủ động xử lý, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

NGÔ CHUẨN