Hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90, kết thúc đại dịch AIDS

15/11/2018 - 05:25

Mục tiêu 90-90-90 nghĩa là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Năm 2018, Bộ Y tế chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Mục tiêu nhằm tăng cường các hoạt động dự phòng xét nghiệm HIV; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV cũng như tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân...

BS Trần Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh An Giang cho biết: “Khi thực hiện thành công các mục tiêu 90-90-90 trên, 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây truyền HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Người nhiễm sẽ không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ, nhất là điều trị bằng thuốc ARV. Bởi điều trị bằng ARV hiện nay được coi là biện pháp dự phòng hiệu quả. 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội.

Vì vậy, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và điều trị đúng sẽ làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới ngưỡng phát hiện) là chỉ số cho thấy người nhiễm HIV đang sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác”.

Tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm H

Để thực hiện đạt mục tiêu 90-90-90, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Nổi bật là hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV để can thiệp kịp thời không để trẻ bị nhiễm HIV. Đưa tất cả các bệnh nhân quản lý được điều trị ARV. Tất cả các bệnh nhân đang điều trị được xét nghiệm tải lượng virus. Và 90% bệnh nhân này có tải lượng virus dưới ngưỡng. Tăng cường tiếp cận cộng đồng tư vấn cho các đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV, tư vấn cho những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm HIV đi làm xét nghiệm HIV.

Hiện, dịch vụ điều trị kháng HIV (ARV) được thực hiện ở phòng khám ngoại trú: Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang và phòng khám ngoại trú của Trung tâm Y tế 9 địa phương: TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú, Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân. Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên có cơ sở điều trị ARV, hiện đã quản lý, tiếp cận được với các đối tượng nhiễm HIV.

BS Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên cho biết: “Tại đây, người nhiễm được tư vấn, chăm sóc sức khỏe và được cấp thuốc uống để phòng ngừa lây lan trong cộng đồng”.

Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh An Giang cho biết: Bên cạnh sự tài trợ của các dự án, hàng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả. Qua đó, đã hỗ trợ người nhiễm về dinh dưỡng cho những bệnh nhân cân nặng kém, hỗ trợ quần áo, sách vở cho trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng mỗi khi tựu trường; hỗ trợ sữa cho phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV và cho con của họ đến 18 tháng tuổi.

Đặc biệt, thành lập các nhóm chăm sóc tại nhà cho những bệnh nhân nặng. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh An Giang đã thành lập 20 câu lạc bộ người nhiễm ở 11 huyện, thị xã, thành phố để người nhiễm và gia đình của họ tham gia sinh hoạt hàng tháng, vui chơi, chia sẻ những kiến thức về HIV/AIDS, cách phòng ngừa lây nhiễm...

Thực hiện nhiều biện pháp can thiệp dự phòng, phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các đối tượng nguy cơ cao, tư vấn cho đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV, tư vấn về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác tuyên truyền, điều trị methadone cho bệnh nhân, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV... giúp người dân hiểu biết về cách phòng, chống HIV/AIDS, giảm lây lan trong cộng đồng và giảm phân biệt kỳ thị đối xử.

Đến nay, toàn tỉnh có 10.914 người nhiễm HIV, 8.558 bệnh nhân đã chuyển sang AIDS, 5.373 người tử vong. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trên 100.000 dân tại An Giang là 257. Địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân cao nhất là TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu và huyện Châu Phú

HẠNH CHÂU