Hệ lụy từ việc đốt đồng

09/04/2024 - 06:19

 - Thông thường, cứ hết vụ lúa đông xuân, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang thường đốt rơm, làm đất để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo. Mặc dù việc này giúp nông dân đỡ vất vả nhưng trong lúc thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, đốt đồng rất dễ xảy ra nguy cơ cháy lớn trên diện rộng, đồng thời làm giảm độ màu mỡ của đất, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân nên từ bỏ thói quen có hại này.

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa đông xuân, anh Lê Văn Dũng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thường đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ sản xuất sau. Anh Dũng cho biết, cách làm này giúp đảm bảo tiến độ gieo sạ với các hộ canh tác lân cận. Đặc biệt, việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch sẽ giảm bớt tình trạng lúa chét, cỏ dại, sâu bệnh cho vụ sau.

“Tôi và nhiều bà con ở cánh đồng này từ lâu đã có thói quen đốt đồng để tiêu diệt nấm bệnh, côn trùng gây hại còn trú ngụ trong rơm rạ. Ngoài ra, việc đốt đồng theo tôi nghĩ còn tạo ra một lượng phân tro từ rơm rạ để làm phân bón cho cây lúa ở vụ kế tiếp” - anh Dũng chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Dũng, ông Lê Trung Hậu (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, việc đốt đồng sẽ giúp việc cày đất được dễ dàng hơn. “Nếu để rơm rạ ở ruộng thì vụ tới rất khó làm đất. Do vậy, bà con đều đốt rơm rạ để tốt ruộng, đất bở hơn. Việc này sẽ tiêu diệt được mầm mống dịch bệnh trên vùng sản xuất”- ông Hậu chia sẻ thêm.

Việc đốt đồng gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe người dân

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại, việc đốt đồng dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo các chuyên gia nông nghiệp, đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Bên cạnh đó, trong quá trình đốt rơm rạ sẽ vô tình tiêu diệt các loại côn trùng có ích, gây ra mất cân bằng sinh thái ruộng lúa.

Đây là một trong những nguyên nhân gây bùng phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao.

Đối với những mảnh ruộng nằm cạnh đường đi, khói đốt rơm rạ còn cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Anh Trần Ngọc Thiện (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, do đặc thù công việc mua bán nên anh thường xuyên di chuyển đến TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang).

Anh Thiện chia sẻ: “Từ nhà tôi đến TP. Châu Đốc phải đi qua tuyến đường tránh Quốc lộ 91 (đi qua xã Bình Mỹ). Sau mỗi đợt thu hoạch, nông dân canh tác lúa 2 bên đường thường đốt rơm rạ để xuống giống vụ sau. Điều này dẫn đến việc khói mịt mù làm che khuất tầm nhìn. Trong khi phương tiện qua lại trên tuyến đường này lại khá đông, nguy cơ tai nạn giao thông rất dễ xảy ra”.

Đặc biệt, hiện nay đang là mùa khô, thời tiết nắng nóng làm cho nhiệt độ ban ngày tăng lên khá cao, thế nên việc đốt rơm rạ trên đồng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy. Mặt khác, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp sẽ tạo ra một lượng lớn các khí có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Thực tế chứng minh, nhiều trường hợp nông dân bị ngạt thở, thậm chí không qua khỏi khi đốt đồng lúc trời nắng…

Với nhiều hệ lụy như trên, ngành chức năng khuyến cáo, nông dân cần thay đổi dần thói quen đốt đồng. Theo đó, thay vì đốt rơm rạ, nông dân có thể bán cho những người thu mua rơm, rạ để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, nông dân có thể tận dụng để trồng nấm rơm, sau khi thu hoạch nấm thì lấy rơm bón lại ruộng, vì lúc này rơm đã hoai mục, trở thành phân hữu cơ. Ngoài ra, nông dân cũng có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Sau đó, lấy nguồn phân chuồng bón lại cho đồng ruộng…

Biện pháp tối ưu nhất hiện nay là dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong rơm rạ sau thu hoạch, đồng thời làm tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất. Nông dân cũng có thể cày vùi rơm vào đất như lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau…

Đốt đồng không những không có lợi mà còn để lại những hệ lụy lâu dài cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có nguồn tài nguyên khó phục hồi là đất và khí quyển. Trong khi đó, rơm rạ có nhiều tác dụng và lợi ích kinh tế thay vì đốt chúng ngay tại cánh đồng, hãy tận dụng và xử lý chúng hiệu quả để tối ưu được nguồn tài nguyên tái tạo này. Vì vậy, người trồng lúa cần thay đổi tập quán sản xuất, nhất là trong cách xử lý rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng theo hướng nông nghiệp bền vững…

ĐỨC TOÀN