Hiệp Xương đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất

14/07/2023 - 06:47

 - Nhằm tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hiệu quả chuyển đổi

Hiệp Xương là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp trên 2.051ha. Tuy nhiên, diện tích sản xuất khá manh mún, nhỏ lẻ nên giá trị sản xuất thấp. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa đạt yêu cầu… Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội, nhằm giúp nông dân phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông cho biết, các biện pháp tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững” được nông dân đồng tình hưởng ứng. Nông dân mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất; đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm giá thành, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng theo nhu cầu thị trường.

Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Huỳnh Văn Ton (người dân địa phương) cho biết, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào canh tác lúa, nếp, nhưng hiệu quả không cao. Sau khi nghe thông tin về mô hình trồng dưa lưới đang phát triển tại nhiều địa phương, hiệu quả kinh tế mang lại khả quan, nên quyết định đầu tư xây dựng nhà lưới diện tích 1.000m2.

Tổng kinh phí xây dựng khoảng 500 triệu đồng, trong đó, vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 200 triệu đồng. Từ mô hình này giúp kinh tế gia đình ông Ton ngày càng phát triển. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Ton thu lợi nhuận trên 120 triệu đồng.

Anh Bùi Văn Hoàng Anh lựa chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng để phát triển kinh tế nông hộ. Từ 4 con dê ban đầu (1 con sinh sản, 3 con nhỏ), sau 1 năm nuôi đã bắt đầu có nguồn thu. Hiện, đàn dê của anh Hoàng Anh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ việc nuôi dê đã mang về thu nhập cho anh Hoàng Anh trên 100 triệu đồng/năm. Anh Hoàng Anh cho biết, dê là loài vật dễ nuôi, ăn tạp nên có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp mà không tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, nuôi dê chỉ tốn chi phí ban đầu, sau đó chăm sóc để tăng đàn mà không đòi hỏi đầu tư thêm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông cho biết, đến nay diện tích chuyển đổi từ lúa, nếp sang cây ăn trái của xã khoảng 53,77ha. Tập trung các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, mít Thái… Ngoài ra, nông dân còn chuyển diện tích trồng lúa, nếp sang trồng rau muống lấy hạt trên 1.100ha, đậu nành rau 10ha, bắp 12ha. Nông dân đồng thời phát triển các mô hình chăn nuôi bò, dê, lươn... Việc chuyển đổi góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nông dân.

Thông qua tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, hội viên, nông dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Ông Tông cho biết, Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức 6 lớp học nghề cho 175 nông dân; tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 350 nông dân; tổ chức tham quan các mô hình SXKD hiệu quả trong và ngoài huyện thu hút 116 nông dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ canh tác của nông dân, hiệu quả kinh tế ngày càng được nâng cao.

Hội Nông dân xã Hiệp Xương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đặc biệt là các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể; nghị quyết của Huyện ủy về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Trong đó, chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, từng bước tạo thành phong trào rộng lớn, thu hút đông đảo nông dân cùng tham gia.

“Hội Nông dân xã tiếp tục tham mưu, đề xuất Đảng ủy, UBND xã về việc quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất khép kín để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Phối hợp các ngành liên quan mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, để có điều kiện mở rộng diện tích canh tác, phát triển các mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông cho biết.

ĐỨC TOÀN