Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Tân, tính đến tháng 9-2020, toàn huyện có trên 1.000 lượt khách hàng vay vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm và vốn giải quyết việc làm địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng nguồn vốn cho vay trên 25,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay giải quyết việc làm từ đầu năm đến nay đạt trên 8,3 tỷ đồng, với 219 lượt lao động được vay vốn, giúp hơn 530 lao động được tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và 4 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh đều giảm qua các năm, còn 54 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,25% trên tổng dư nợ của chương trình.
Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo phương thức ủy thác một số công đoạn cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể. Sau khi giải ngân vốn, ngân hàng phối hợp hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, đôn đốc thu lãi hàng tháng, vận động trả nợ dần theo định kỳ, đẩy nhanh vòng quay vốn để tạo điều kiện cho nhiều lao động khác cho nhu cầu vay. Qua kiểm tra, hầu hết người vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi đúng hạn.
Khảo sát hộ dân sử dụng vốn vay sản xuất quy mô hộ gia đình
Trên địa bàn huyện Phú Tân, các dự án cho vay chủ yếu là dự án thuộc kinh tế hộ gia đình, nguồn vốn được hỗ trợ phần lớn đầu tư vào nghề truyền thống, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất - kinh doanh nhằm tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế gia đình. Các chương trình cho vay từ quỹ Quốc gia về việc làm kết hợp nguồn vốn tại địa phương đã tạo lập nguồn vốn làm cơ sở để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Qua đó, góp phần thực hiện tốt mực tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Với mức vay từ 30-80 triệu đồng, người vay có thêm điều kiện trang trải làm việc, học tập, tiếp tục sản xuất. Nhờ nguồn vốn này, hàng năm các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện được duy trì ổn định, như: làng bánh phồng, làng bó chổi, rèn.
Chị Huỳnh Thị Út (xã Phú Bình) sản xuất chổi bông sậy nhận xét, so với các hình thức khác, lãi suất ưu đãi từ quỹ Quốc gia về việc làm khá ổn định, thủ tục vay nhanh gọn, phù hợp với nguyện vọng những hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất đang thiếu vốn. Vừa tốt nghiệp THPT, em Đỗ Thị Kiều Loan (xã Tân Trung) tham gia tư vấn và chọn đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc. Nhờ vốn vay ban đầu, gia đình có thể trang trải chi phí học tập và thủ tục cần thiết để xuất cảnh thuận lợi, không phải lo vay nhiều nguồn từ bên ngoài.
Nguồn vốn vay góp phần duy trì sản xuất các làng nghề truyền thống
Có thể khẳng định, hiệu quả của chương trình cho vay vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đời sống thu nhập của các đối tượng vay vốn được cải thiện đáng kể... Tuy vậy, nguồn vốn cho vay của quỹ Quốc gia về việc làm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo thêm nhiều việc làm mới, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Theo thống kê, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn huyện hàng năm khoảng 10 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn được phân bổ hàng năm còn hạn chế. Năm 2020, huyện ủy thác 500 triệu đồng, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được trung ương giao là 4 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu vay vốn thực tế.
Bên cạnh đó, các đối tượng được vay vốn theo Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020” với mức vay trên 80 triệu đồng hiện nay cần được nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng hoặc bằng chi phí đi lao động, vì đa số gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thường không có tài sản để đảm bảo vay tiền dẫn đến phải vay thêm từ các nguồn khác để trang trải chi phí. Huyện Phú Tân cũng đề nghị tỉnh xem xét, cho chủ trương xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đối với các khoản vay tồn đọng trước đây.
MỸ HẠNH