Hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn

07/07/2022 - 07:03

 - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

Đào tạo nghề ngắn hạn, giúp nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, huyện Châu Thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Huyện tập trung triển khai công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, lao động nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, tạo điều kiện cho lao động nông thôn nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành Huỳnh Văn Thức cho biết, hàng năm, đơn vị phối hợp ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo; tìm hiểu về nhu cầu học nghề của NLĐ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong Khu công nghiệp Bình Hòa.

Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các DN và cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu học nghề của NLĐ để tổ chức các lớp học.

Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành đã giới thiệu giải quyết việc làm  cho 6.717 lao động (đạt gần 112% kế hoạch); đào tạo nghề cho 1.294 lao động (đạt trên 80,6% kế hoạch năm 2022), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 53,6%. Trong đó, đào tạo nghề cho 1.104 học viên tại Công ty TNHH NV Apparel và Công ty TNHH may mặc Luan theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho người sử dụng lao động và NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Hầu hết các học viên sau khi học nghề đều được nhận làm việc tại các công ty, với thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ xã Bình Hòa) cho biết: “Sau khi tham gia lớp học nghề may công nghiệp do địa phương tổ chức, tôi đi làm công nhân tại một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Bình Hòa gần 2 năm, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định, không phải đi làm thuê thời vụ, thu nhập không còn bấp bênh như trước nữa”.

Bên cạnh công tác dạy nghề, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được huyện Châu Thành chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó, việc hỗ trợ các chính sách về tín dụng, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng phù hợp của người dân đặc biệt được quan tâm. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành đã giải ngân cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cho 67 hộ, với số tiền 3 tỷ đồng, nhằm giúp các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 ổn định cuộc sống.

Ông Lê Phước Hậu (ngụ xã Cần Đăng) cho biết: “Với vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã đầu tư mua sắm thêm các dụng cụ, trang thiết bị để sửa xe gắn máy. Nhờ đó, tôi có thu nhập ổn định để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”.

Ông Huỳnh Văn Thức cho biết, thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đào tạo và gắn kết với các công ty, DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trên để NLĐ sau khi đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm, để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có việc làm sau khi học nghề. Duy trì công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học và sát với nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích