Hiệu quả kinh tế từ cây mít

12/11/2019 - 08:44

Mặc dù bị khiếm khuyết 1 chân, di chuyển khó khăn nhưng nông dân Lê Văn Sậm (ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, Châu Phú) luôn chí thú làm ăn và không ngừng học hỏi, tìm kiếm các mô hình sản xuất mới. Những năm gần đây, ông Sậm bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mít Thái siêu sớm và mô hình đã mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông.

Gặp tai nạn từ nhỏ, ông Sậm phải cắt đi 1 chân, đi đứng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà ông nản chí. Với quyết tâm chứng minh bản thân “tàn nhưng không phế”, ông Sậm luôn cần mẫn trong lao động, cố gắng phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chí thú làm ăn, hiện nay, ông Sậm là một trong số những nông dân điển hình của địa phương trong việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng với mô hình trồng mít Thái siêu sớm.

Đưa chúng tôi tham quan vườn mít đang trĩu quả, ông Sậm cho biết: “Ban đầu, hầu hết diện tích đất của gia đình tôi trồng lúa. Đến năm 2015, thực hiện cải tạo vườn tạp, tôi chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như: ổi, xoài… nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau đó, tôi được người cháu giới thiệu mô hình trồng mít Thái siêu sớm, nên gia đình quyết định phá bỏ vườn cây ăn trái cũ để chuyển sang trồng cây mít”. Nghĩ là làm, ông Sậm tìm đến Vĩnh Long để mua 500 cây giống về trồng trên diện tích 1ha. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ người quen và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ báo chí, vườn mít của ông Sậm phát triển tươi tốt, sau 2 năm, 500 cây mít Thái đều cho nhiều trái.

Khi được hỏi về kỹ thuật canh tác cây mít, ông Sậm vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm: “Mít là loại cây tương đối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, khi còn nhỏ cây phát triển khá tốt và ít bị ảnh hưởng bởi các loại sâu bệnh nên chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp. Thông thường đến giai đoạn cây mít cho trái khoảng 1kg, cần phun thuốc trị một số bệnh như: rụng lá, sâu ăn trái… để đảm bảo năng suất. Ngoài ra, cây mít chịu độ ẩm vừa nên cách 2-3 ngày mới tưới nước 1 lần, đặc biệt đối với những nơi đất thấp, trũng, cần lên liếp, vào mùa mưa phải kiểm tra hệ thống thoát nước để chống úng cho cây”. Theo ông Sậm, khâu quan trọng không thể bỏ qua trong quá trình chăm sóc cây mít Thái siêu sớm là cắt, tỉa các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh để giúp cây mít ra trái nhiều hơn, giảm độ nặng cho thân cây và phòng, chống sâu bệnh. Ngoài việc cắt tỉa cành, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, tùy theo tình trạng dinh dưỡng của đất trồng và sự phát triển của cây mà người trồng sẽ điều chỉnh thêm, bớt lượng phân bón phù hợp để cây mít phát triển tốt, cho trái to và nhiều. 

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, trong năm thu hoạch đầu tiên, vườn mít của ông Sậm cho sản lượng 10 tấn trái, bán giá bình quân 30.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế cao từ cây mít, ông Sậm tiếp tục mở rộng diện tích trồng mít lên 3,3ha, với số lượng lên đến 6.000 cây. Năm 2018 vừa qua, sản lượng mít ông Sậm thu được đạt khoảng 17,5 tấn trái, bình quân mỗi cây cho thu hoạch khoảng 50-60kg, đối với những cây phát triển tốt có thể cho thu hoạch 120-150kg/cây, giá bán khoảng 30.000-45.000 đồng, tùy theo kích cỡ trái. Với 3,3 ha diện tích trồng mít Thái trong mấy năm qua đã giúp gia đình ông Sậm có nguồn thu nhập khá, trở thành hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền ở địa phương.

MỸ LINH