Cây khổ qua ghép gốc mướp cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao
Ngoài thế mạnh cây lúa, rau màu được xem là cây trồng có tiềm năng phát triển rất lớn đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Năm 2020, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang thực hiện “Kế hoạch khảo nghiệm, chuyển giao và nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang” nhằm giới thiệu và nhân rộng một số mô hình canh tác rau, màu hiệu quả cho nông dân trên địa bàn An Giang.
Mô hình trồng cây khổ qua ghép gốc mướp thực hiện tại ấp Vĩnh Lợi 2 (xã Châu Phong, TX. Tân Châu). ThS Trần Ngọc Phương Anh (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết đã xây dựng 1 mô hình trồng khổ qua ghép gốc mướp tại hộ ông Nguyễn Văn Hái trên diện tích 1.000m2, xã Châu Phong (500m2 trồng khổ qua ghép, 500m2 trồng đối chứng không ghép). Mật độ cây theo mô hình: cây khổ qua ghép mật độ 1.000 cây/1.000m2, cây khổ qua không ghép mật độ 2.000 cây/1.000m2).
Kết quả cho thấy, mô hình khổ qua ghép gốc mướp đạt hiệu quả cao, đạt năng suất 4,2 tấn/1.000m2, cao hơn giống đối chứng không ghép 0,8 tấn/1.000m2 (tăng 24% so với đối chứng). Ngoài ra, giống khổ qua ghép gốc mướp còn có ưu điểm chịu ngập và kháng bệnh tốt hơn giống khổ qua không ghép. Giống có sức sinh trưởng mạnh, có khả năng chịu được điều kiện bất lợi của môi trường ngập úng, khô hạn, kéo dài được thời gian thu hoạch…
Mô hình trồng khổ qua ghép gốc mướp tại xã Khánh Hòa (Châu Phú) thực hiện trước đó cũng cho hiệu quả khá cao. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Trần Trọng Hiếu (xã Khánh Hòa, Châu Phú) trên diện tích 1.000m2. Kết quả mô hình cho thấy, trồng khổ qua ghép gốc mướp đạt năng suất cao hơn giống đối chứng không ghép (cao hơn 0,66 tấn/1.000m2), về số trái, khối lượng trái trên cây và chiều dài thân chính; năng suất cao hơn giống đối chứng không ghép 21%, giống khổ qua ghép gốc mướp có sức sinh trưởng mạnh, có khả năng chịu được điều kiện bắt lợi của môi trường ngập úng, khô hạn... kéo dài được thời gian thu hoạch.
ThS Trần Ngọc Phương Anh chia sẻ, quy trình kỹ thuật trồng cây khổ qua ghép gốc mướp: với diện tích mô hình là 1.000m2, đất được cuốc, xới, lên liếp đơn, chiều dài mỗi liếp là 60m, rộng 1,6m, cao 20cm, sử dụng màng phủ nông nghiệp 1,8m, liếp được dọn sạch sẽ, bón vôi, bón phân hữu cơ lót, phân hóa học và tưới thật ướt mặt liếp trước khi đậy màng phủ. Cây khổ qua sau khi ghép được 12 ngày tuổi đem trồng lên liếp lúc chiều mát.
Tưới nước trước khi đem cây con ra trồng, đục lỗ màng phủ và đào hốc sâu khoảng 5-7cm, rộng khoảng 10cm, đặt cây con trồng theo hàng và lắp đất lại. Cố định cây con bằng thanh tre dài 50cm, buộc nhẹ bằng dây ny-lon. Cây ghép được trồng với khoảng cách 0,6m (mật độ 1.000 cây/1.000m2); ở giai đoạn đầu, từ khi trồng cây con đến khi cây được 25 ngày sau khi trồng, tưới 2-3 lần/ngày, tưới bằng hệ thống phun sương. Giai đoạn cây ra hoa, kết trái, tưới thật ẩm dưới màng phủ và tưới lại khi khô. Canh tác cây khổ qua cần làm giàn để cây có thể phát triển tốt và cho trái thương phẩm, làm giàn cây hoặc giàn lưới khi cây bắt đầu bò.
Cây làm giàn có chiều dài lớn hơn 2m, làm giàn hình vuông mặt giàn băng, tiến hành làm giàn 10 ngày sau khi trồng. Sau khi trồng, thường xuyên tỉa các chồi mọc ra từ thân chính khi chồi còn nhỏ (5-10 cm) để tập trung dinh dưỡng nuôi dây chính và tránh ảnh hưởng đến dây chính. Sau khi trồng 5 ngày, tưới Comcat 150 WP kích thích ra rễ với liều lượng 5gr/16 lít nước, tưới lúc chiều mát. Bón theo công thức: 225 kg N, 152 kg P2O5, 148kg K2O. Theo dõi thường xuyên các loài côn trùng gây hại để có biện pháp phòng trị thích hợp.
HẠNH CHÂU