Gia đình chị Neang Ro thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi chăn nuôi bò
Đến nhà chị Neang Ro (sinh năm 1978, ngụ tổ 6 ấp Vĩnh Lập, xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên), chúng tôi không thể tin vào mắt mình, vì căn nhà khang trang, kiên cố của chị nổi bật giữa phum, sóc. Chị phấn khởi “khoe” vừa được hỗ trợ 40 triệu đồng cất nhà. Nhưng mỗi lần cất nhà là mỗi lần khó, vợ chồng chị quyết định vay tiền bà con, họ hàng để cất thêm cho rộng rãi, ở lâu dài. Những ngày đầu ở trong căn nhà mới, vợ chồng chị vui không tả nổi, lại nhớ thuở cực khổ ban đầu. Không có nhà, không có đất, sống tạm bợ trong căn nhà lụp xụp, 2 đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng chị làm thuê, mướn đủ nghề, mà đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. Nhiều hôm, mượn gạo không được, cả nhà nhịn đói đi ngủ. Sáng hôm sau, ai đi học thì đi học, ai đi làm thì đi làm, mệt mỏi cách mấy cũng phải ráng vượt qua. Chị tất bật bán khoai mì, đậu phộng, nhổ cỏ, cắt lúa… không dám ngơi nghỉ phút nào. Anh Chau Chươl (chồng chị Neang Ro, sinh năm 1977) nhận xịt lúa, sạ phân, bốc vác… đến hao gầy cơ thể. Số phận trêu ngươi, gia đình chị cứ trong danh sách hộ nghèo của xã.
Năm 2011, họ được vay 10 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ DTTS nghèo khu vực ĐBSCL. Số tiền này anh chị mua con bò nuôi vỗ béo. Đến năm 2018, trả hết số nợ cũ, anh chị được cho vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo. Con bò trước đó được bán đi, anh chị mua 2 con bò khác nuôi tiếp. Cứ như vậy, nguồn vốn được xoay vòng, sinh lợi nhuận đủ cho gia đình chị sinh sống. “Vợ chồng tôi vẫn mua bán nhỏ lẻ, làm thuê, mướn để dành dụm tiền trả nợ ngân hàng. Các con tôi ban ngày đi học, chiều về đi cắt cỏ cho bò ăn. Tôi trả được 6,5 triệu đồng rồi, còn gửi tiết kiệm được 4,3 triệu đồng. Lúc trước, nhiều khi túng quẫn quá, tôi nghĩ đến chuyện rời quê, đi Bình Dương làm công nhân. Bây giờ nhà cửa ổn định, có bò để nuôi rồi, tôi không đi nữa. Bà con xung quanh không ai tin gia đình tôi có thể thoát nghèo nhanh như vậy. Tất cả nhờ nhà nước quan tâm, cho tôi vay tiền làm ăn, mừng lắm!” - chị Neang Ro cười thật hạnh phúc trong căn nhà rộng rãi. Phía trên vách là giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tặng cho anh Chau Chươl về thành tích thực hiện vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Tịnh Biên là huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tịnh Biên thực hiện ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội đoàn thể là 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 305.886 triệu đồng, chiếm 99,49%/tổng dư nợ; tăng 37.884 triệu đồng so với năm 2018, tỷ lệ tăng 14,1%. Năm 2019, tỉnh phân bổ nguồn mới 39.370 triệu đồng, đã giải ngân nguồn vốn kịp thời cho 2.831 hộ, với số tiền 79.559 triệu đồng (đồng bào DTTS 366 hộ, số tiền 8.931 triệu đồng). Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Để bà con đồng bào DTTS tiếp cận được nguồn vốn vay, các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đoàn thể, khóm ấp thường xuyên thông tin, tuyên truyền trong các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri, thông qua các tờ bướm… về cách vay, trả nợ, lãi suất. Hàng năm, địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập trung vào cách thức chăn nuôi bò cho bà con. Khi có vốn mua bò, họ sẽ chăm sóc đúng kỹ thuật, hạn chế việc bò bệnh, chết. Đa phần đồng bào DTTS Khmer trong huyện rất có ý thức làm kinh tế thoát nghèo, trả nợ vay đúng quy định. Chỉ trừ trường hợp bất khả kháng (nhà có người bệnh, biến cố…), họ mới mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, chúng tôi phối hợp chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để bà con được tiếp cận vốn vay, miễn hồ sơ hợp lệ là được giải ngân. Từ đó, giúp bà con phát huy được hiệu quả kinh tế gia đình, góp phần tích cực để hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện”.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, dư nợ cho vay đối với người DTTS trên địa bàn tỉnh là 184,6 tỷ đồng với 12.178 khách hàng (chiếm tỷ lệ 44,81% trên tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm 5,86% trong tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), gồm 15 chương trình tín dụng chính sách. Kết quả, từ năm 2010 đến năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 66.741 lượt hộ thoát nghèo, trong đó có 7.783 hộ DTTS thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS toàn tỉnh từ 28,57% năm 2010 đến cuối năm 2019 là 11,70%/năm.
Với quy trình cho vay công khai dân chủ, người vay được bình xét công khai từ khóm, ấp đã góp phần đưa vốn tín dụng chính sách tới đúng đối tượng thụ hưởng. Thành công của nguồn vốn ưu đãi là lồng ghép các nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án tại địa phương, vốn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào DTTS có thu nhập ổn định, giảm nghèo, hòa nhập cộng đồng vươn lên thoát nghèo bền vững, giúp con em người DTTS được học sau bậc phổ thông, học nghề, chuyên nghiệp và có việc làm ổn định.
Những năm qua, đã có rất nhiều mô hình vay vốn làm ăn có hiệu quả và thoát nghèo tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, như: chăn nuôi bò, làm đường thốt lốt, dệt thổ cẩm… Nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với các chính sách khác đã góp phần giúp đồng bào tin tưởng vào các chính sách của Đảng, nhà nước; từ đó đảm bảo an ninh ở các vùng đông đồng bào DTTS.
GIA KHÁNH