Ứng dụng hệ thống phun nhỏ giọt
Tập trung ngành hàng chủ lực
Là tỉnh có lợi thế về canh tác lúa, An Giang đặt mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, có 80.397ha lúa áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). Sau khi đạt được mục tiêu này, diện tích ứng dụng tiếp tục được mở rộng. Các kỹ thuật, công nghệ được áp dụng phổ biến trong canh tác lúa, gồm: Ứng dụng trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng máy cấy, máy phun hạt giống, phun thuốc bằng máy bay không người lái (drone)… Những kỹ thuật này góp phần tăng năng suất lúa bình quân 0,2-0,3 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất từ 16-20%. Ước tính, thu nhập của người trồng lúa ƯDCNC tăng bình quân 20-25% so với biện pháp canh tác bình thường.
Một ngành hàng có lợi thế khác cũng được sản xuất theo hướng ƯDCNC là nghề nuôi cá tra, hiện đạt trên 80% tổng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Trong khi đó, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn đực theo hướng ƯDCNC được quy hoạch 300ha; diện tích nuôi cá lóc ứng dụng công nghệ vi sinh hạn chế thay nước được quy hoạch 150ha. Diện tích nuôi có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hành nuôi theo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được mở rộng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu nhập của hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng ƯDCNC tăng từ 20-30%. Cùng với đó, công tác phát triển giống thủy sản chất lượng cao tăng dần về số lượng và chủng loại. Một số vùng sản xuất tập trung ƯDCNC, nuôi theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ đã được hình thành và phát triển, thu hút nhiều DN đầu tư, như: Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Hà Nội-Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH Phát Triển Lộc Kim Chi.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các hình thức nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, ƯDCNC ngày càng phát triển. Các DN, hộ nuôi heo thịt, heo sinh sản, gà thịt đang đẩy mạnh ƯDCNC trong nhân giống, quản lý chuồng trại, vận hành trang thết bị chăn nuôi. Thu nhập của hộ chăn nuôi theo hướng ƯDCNC tăng từ 10-20% so bình thường.
Mở rộng áp dụng
Thời gian qua, An Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu. Cùng với đó, diện tích phát triển theo hướng ƯDNC được mở rộng, hiện đạt trên 90% diện tích các loại cây trồng chủ lực, như: Xoài, chuối, nhãn, cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh)… Các kỹ thuật, công nghệ được áp dụng phổ biến là: Thực hành sản xuất tốt VietGAP, sử dụng các hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu... Qua đó, năng suất bình quân tăng khoảng 11% so với năm 2012, giá trị sản xuất cây ăn trái chủ lực đạt bình quân 170-180 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, An Giang đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái trọng điểm. Trong đó, có 6 vùng sản xuất xoài tập trung, được cấp mã số vùng trồng; các vườn bưởi da xanh ứng dụng hệ thống tưới công nghệ cao; trồng cam, quýt theo quy trình VietGAP; các vườn trồng cây ăn trái gắn với liên kết tiêu thụ hoặc du lịch sinh thái... Các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái chất lượng cao, như: Chuối, dưa lê, dưa lưới, xoài, bưởi... ngày càng phát triển. Việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường năng lực sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm cây ăn trái ngày càng được chú trọng.
Đối với sản xuất rau màu, diện tích canh tác theo hướng ƯDCNC ngày càng nâng lên, chiếm gần một nửa diện tích rau màu toàn tỉnh. Thu nhập của nông dân trồng rau màu ƯDCNC tăng 20-25% so với sản xuất thông thường. An Giang phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đạt so mục tiêu quy hoạch; chủng loại nấm đa dạng, nhiều mô hình nhà trồng nấm có kiểm soát ẩm độ, nhiệt độ, tưới bằng hệ thống phun sương tự động giúp nấm phát triển tốt được nhân rộng. Trong khi đó, nhiều mô hình trồng lan cắt cành theo hướng công nghiệp, trồng hoa có giá trị kinh tế cao trong nhà màng có hệ thống làm mát, phối trộn dinh dưỡng tự động, nhân giống và sản xuất hoa kiểng thương phẩm trong nhà lưới gắn với du lịch được chú trọng phát triển.
Thời gian qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã phối hợp hỗ trợ thực hiện 506 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ƯDCNC cho các nhóm sản phẩm chủ lực tại các địa phương trong tỉnh. Đối với DN, An Giang cũng tích cực hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Đến nay, tỉnh đã công nhận Công ty Cổ phẩn cá tra Việt - Úc là DN nông nghiệp ƯDCNC; 2 vùng nông nghiệp ƯDCNC, gồm: Vùng chuối VIFABA của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát, vùng nuôi trồng thủy sản ƯDCNC của Công ty TNHH MTV Nam Việt - Bình Phú. Ngoài ra, công nhận 8 dự án nông nghiệp ƯDCNC của các DN: Công ty Cổ phần 620 Châu Thới, Công ty TNHH nông nghiệp chất lượng cao Sơn Huy, Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao An Khang, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phan Nam, Công ty TNHH Trang trại hữu cơ Bảy Núi, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thủy sản Mekong, Công ty TNHH XNK nông sản Xanh Việt.
HOÀNG XUÂN